Thời điểm tập luyện tốt nhất cho người bị tiểu đường
Tập thể dục là cách giúp bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát tốt đường huyết. Các nghiên cứu khoa học cho thấy tập vào một số thời điểm trong ngày sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết. Vậy thời điểm nào tập luyện thì tốt nhất cho người bị tiểu đường? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin.
1. Tiểu đường là bệnh gì?
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu.
Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, tổn thương các bộ phận như mắt, thận…, thậm chí tử vong. Biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường.
2. Thời điểm nào tập luyện sẽ tốt nhất cho người bị tiểu đường?
✅ Tập luyện vào buổi chiều có lợi cho người bị tiểu đường
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Brigham and Women và Trung tâm Tiểu đường Joslin, thuộc Trường Y Harvard, đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu Sáng kiến Sức khỏe Bệnh tiểu đường để so sánh các biện pháp can thiệp lối sống tích cực với những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì nhằm theo dõi sự tiến triển của bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá liệu hoạt động thể chất vào những thời điểm nhất định trong ngày có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu hay không. Kết quả cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoạt động thể chất vào buổi chiều (sau 12h trưa) đã cải thiện nhiều nhất sau một năm thử nghiệm.
"Trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường loại 2 có sự cải thiện lớn nhất trong việc kiểm soát lượng đường trong máu khi họ hoạt động thể chất tích cực vào buổi chiều", các nhà nghiên cứu tại Khoa Giấc ngủ và Rối loạn Nhịp sinh học tại Bệnh viện Brigham and Women cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu hoạt động thể chất từ năm đầu tiên và năm thứ tư của nghiên cứu Sáng kiến Sức khỏe Bệnh tiểu đường, được thực hiện trên 2.400 người. Khi xem xét dữ liệu của năm đầu tiên, họ nhận thấy những người tham gia hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh vào buổi chiều có lượng đường trong máu giảm nhiều nhất. Khi so sánh với dữ liệu ở năm thứ tư, lượng đường trong máu vẫn thấp hơn ở nhóm buổi chiều. Ngoài ra, nhóm tập luyện buổi chiều cũng có khả năng ngừng dùng thuốc hạ đường huyết/tiểu đường cao nhất.
Trong khi đó, nghiên cứu Dịch tễ học về Béo phì của Hà Lan, thực hiện ở khoảng 6.700 người từ 45 đến 65 tuổi, tháng 11/2022 về ảnh hưởng của tập luyện thể chất với người tiểu đường. Từ nhóm này, các nhà nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 955 người, cho họ đeo máy đo gia tốc và nhịp tim trong bốn ngày đêm để theo dõi mức độ hoạt động thể chất với đường huyết. Để phân loại hiệu quả của thời điểm tập thể dục, họ đã chia thành ba khung giờ: 6h đến trưa, từ trưa đến 18h và từ 18h đến nửa đêm.
Kết quả cho thấy những người tập thể dục vào buổi chiều giảm 18% khả năng kháng insulin và hoạt động vào buổi tối giảm 25% khả năng kháng insulin. Tập luyện kéo dài suốt cả ngày hoặc chỉ vào buổi sáng dường như không ảnh hưởng đến hàm lượng chất béo trong gan và tình trạng kháng insulin, trong khi hoạt động thể chất vào buổi chiều và buổi tối thì tác động rõ rệt.
Xem thêm: Tập thể dục vào sáng sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
✅ Tập thể dục sau bữa ăn một giờ có lợi cho người bị tiểu đường
Li Qingming, bác sĩ trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Trịnh Châu trực thuộc Đại học Trịnh Châu, chỉ ra thời gian cụ thể để tập thể dục buổi chiều là sau bữa ăn khoảng một giờ. Nguyên nhân do trong khoảng thời gian này, thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn, đặc biệt là đường được hấp thụ nhanh nhất nên lượng đường trong máu sẽ tăng lên đáng kể.
Nếu bạn bắt đầu tập thể dục vào thời điểm này, quá trình dị hóa đường sẽ được tăng cường, từ đó làm giảm nguy cơ lượng đường trong máu tăng lên sau bữa ăn và ngăn ngừa sự dao động của đường huyết.
3. Người bệnh tiểu đường nên tập luyện như thế nào?
Cường độ tập luyện với người tiểu đường cần có những hạn chế nhất định. Bệnh nhân không nên mù quáng thực hiện các bài tập cường độ cao chỉ vì muốn đạt được những lợi ích kiểm soát đường huyết do tập thể dục mang lại.
Theo bác sĩ Li, đi bộ là bài tập lý tưởng nhất để kiểm soát đường huyết. Nó đặc biệt phù hợp với bệnh nhân cao tuổi. Bạn cũng có thể linh hoạt lựa chọn các môn chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, Thái Cực Quyền... Nên duy trì tập ít nhất ba lần/tuần, mỗi lần kéo dài 20-30 phút, có thể kéo dài dần đến một giờ.
Li nhấn mạnh việc luyện tập cần được kiên trì thực hiện trong một thời gian nhất định mới giúp đạt được mục đích hạ đường huyết và kiểm soát bệnh.
(Theo Sohu, Eating Well)
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!