Đứt gân gót chân Achilles - Điều trị và chăm sóc thế nào?
Gân Achilles là một dải gân cứng nối cơ bắp chân và xương gót. Nếu bạn kéo giãn gân Achilles quá mức, nó có thể bị rách (đứt) một phần hoặc hoàn toàn. Đứt gân gót chân, bệnh nhân sẽ không chết nhưng gần như mất toàn bộ chức năng đi lại của đôi chân. Vậy chăm sóc và điều trị khi bị đứt gân gót chân Achilles như thế nào, chúng ta hãy tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết này
1. Đứt gân gót chân Achilles là gì?
Đứt gân gót chân (Achilles Tendon Ruptures) là một tổn thương ảnh hưởng đến mặt sau của cổ chân. Đây là tổn thương có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người chơi thể thao.
Gân Achilles là một cấu trúc gân cực kỳ khỏe và chắc chắn, kết nối các cơ ở phía sau bắp chân với xương gót. Gân gót chân là một trong những gân quan trọng nhất trong việc di chuyển đi lại, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động chạy, nhảy xa, bật cao. Cử động rõ ràng nhất của gân gót được thể hiện khi đứng chịu lực bằng mũi ngón chân (đứng nhón gót, đứng kiễng chân).
Nếu chịu tải một lực căng quá mức, gân Achilles có thể bị rách (đứt) một phần hay hoàn toàn.
Khi gân Achilles bị đứt, có thể nghe thấy một tiếng bục, theo sau đó là một cơn đau nhói bất ngờ sau cổ chân và chân dưới, gây ảnh hưởng đến khả năng đi bộ bình thường của bạn. Can thiệp phẫu thuật thường được tiến hành để xử lý tổn thương. Tuy nhiên đối với nhiều người, phương pháp điều trị không phẫu thuật cũng có hiệu quả.
Xem thêm: Đau gót chân do bệnh Gout - Điều trị thế nào?
2. Những triệu chứng nào biểu hiện ra khi Gân Achilles bị đứt?
Mặc dù một số người bệnh có thể không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì của đứt gân Achilles, hầu hết người bệnh có các triệu chứng sau:
-
Cảm giác bị đá vào bắp chân
-
Đau, có thể nghiêm trọng và sưng gần gót chân
-
Không thể uốn cong bàn chân xuống hoặc "đẩy" chân bị thương khi đi bộ
-
Không đứng được trên các ngón chân của chân bị thương
-
Âm thanh bốp hoặc bục khi chấn thương xảy ra
Ngay khi bệnh nhân có các dấu hiệu của chấn thương, đặc biệt là mất khả năng đi lại bình thường sau chấn thương, nên đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để tổn thương nặng thêm.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến Gân Achilles bị đứt?
Gân Achilles giúp hướng bàn chân xuống, dựng các ngón chân và nhấc chân về phía trước khi bạn bước đi. Bạn dựa vào nó hầu như mỗi khi bạn đi bộ và di chuyển.
Chấn thương hay xảy ra tại phần gân cách chỗ bám xương gót khoảng 6cm, vị trí này dễ bị tổn thương do lượng máu nuôi kém, điều này cũng làm giảm khả năng chữa lành.
Đứt gân xảy ra khi sự căng kéo đặt trên gân Achilles tăng bất ngờ. Các trường hợp thường gặp bao gồm:
-
Tăng cường độ hoạt động thể thao, đặc biệt là các môn thể thao có động tác nhảy
-
Rơi từ vị trí cao
-
Bước hụt vào khoảng trống
4. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles?
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có liên quan tới nguy cơ đứt gân gót bao gồm:
-
Tuổi tác: Trung bình độ tuổi bị chấn thương đứt gân Achilles là từ 30 – 40.
-
Giới tính: Hiện tượng đứt gân gót chân xảy ra ở nam cao gấp 5 lần so với nữ.
-
Thể thao: Chấn thương gân Achilles xảy ra phổ biến nhất ở các môn thể thao liên quan đến chạy, nhảy, đặc biệt khi người vận động phải khởi động hay dừng lại đột ngột. Ví dụ như bóng chuyền, bóng rổ và quần vợt.
-
Thuốc tiêm chứa corticoid: Việc lạm dụng thuốc có corticoid có thể làm yếu hoặc xơ hóa tổ chức gân và phần mềm lân cận, do đó có liên quan đến nguy cơ gặp chấn thương
-
Thuốc kháng sinh: Tác dụng phụ của một số kháng sinh nhóm fluoroquinolon, chẳng hạn như ciprofloxacin (Ciprobay) hoặc levofloxacin (Levaquin) là làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
-
Cân nặng: Trọng lượng dư thừa quá nhiều sẽ làm tăng áp lực lên gân gót chân khi di chuyển.
5. Đứt gân gót chân Achilles - Điều trị và chăm sóc thế nào?
✅ Phương pháp chẩn đoán
-
Khám lâm sàng: bác sĩ thực hiện kiểm tra gót chân của bệnh nhân xem có dấu hiệu đau và sưng hay không. Ở một số trường hợp khi gân đã bị đứt hoàn toàn, bác sĩ có thể sờ thấy một khoảng gián đoạn dọc đường đi của gân bệnh nhân.
-
Sử dụng nghiệm pháp Thompson, kiểm tra sự liên tục trong cử động cổ chân bằng cách bóp vào bắp chân của bệnh nhân trong tư thế quỳ trên ghế hoặc nằm sấp với chân gác qua cuối bàn khám. Nếu hoạt động co cơ không linh hoạt, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân đã bị đứt gân Achilles.
-
Siêu âm hoặc chụp Cộng hưởng từ đánh giá mức độ tổn thương.
✅ Phác đồ điều trị đứt gân Achilles
Phương pháp điều trị đứt gân Achilles phụ thuộc vào độ tuổi, nhu cầu hoạt động của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
-
Người trẻ tuổi và người có nhu cầu hoạt động nhiều hơn, đặc biệt là các vận động viên, có xu hướng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, phục hồi lại gân Achilles đứt.
-
Bệnh nhân lớn tuổi, ít có nhu cầu vận động, hoặc có chống chỉ định phẫu thuật có khả năng chọn điều trị bảo tồn không mổ.
✅ Điều trị không phẫu thuật
Bao gồm các bước tiếp cận sau:
- Đi lại không tì lực với nạng;
- Chườm lạnh lên vùng bị chấn thương;
- Sử dụng thuốc giảm đau;
- Hạn chế cử động cổ chân trong 3 – 4 tuần đầu tiên. Bệnh nhân có thể tập đi bằng giày có đệm gót hoặc bó bột, với bàn chân gập về phía gan chân theo chỉ định của bác sĩ.
Ưu điểm của phương pháp điều trị không phẫu thuật là tránh những rủi ro liên quan đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm của cách tiếp cận không phẫu thuật là tăng khả năng gân không liền hoặc đứt lại; và quá trình hồi phục cũng mất nhiều thời gian hơn.
✅ Điều trị phẫu thuật
Quá trình phẫu thuật được thực hiện bằng việc rạch một đường mổ ở phía sau gót chân và khâu phục hồi phần gân rách. Ở một số trường hợp mất đoạn gân lớn, việc tái tạo có thể được gia cố, ghép đọan bằng các gân khác.
Hiện nay, công nghệ hiện đại đã có thể giúp khâu phục hồi gân gót qua da. Với ưu điểm sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau, giảm biến chứng như mổ mở mà vẫn đem lại hiệu quả tương tương.
✅ Phục hồi chức năng
Các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp tăng cường cơ bắp chân và khả năng chịu lực của gân Achilles. Phần lớn người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng 4-6 tháng. Việc duy trì rèn luyện sức bền và sự ổn định sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng.
✅ Chế độ dinh dưỡng
Gân kết nối giữa xương và cơ được tạo nên từ khoảng 85% collagen. Việc hấp thụ không đủ lượng vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng đa lượng – đặc biệt là protein – sẽ gây giảm khả năng chữa lành vết thương và làm trầm trọng thêm tình trạng mất gân. Do đó, việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để củng cố sự dẻo dai cho gân có thể giúp cải thiện tình trạng gân bị đứt. Collagen là một loại protein, được tạo ra từ các axit amin chính là glycine và proline. Các sản phẩm gelatin, đậu nành, thịt gà và pho mát (glycine). Bơ, măng tây, trứng và pho mát (proline) là thực phẩm khuyến khích được sử dụng.
Bên cạnh đó, Leucine – một axit amin quan trọng cũng cần được bổ sung vào chế độ ăn uống của bệnh nhân bị đứt gân Achilles. Đây là axit amin duy nhất có khả năng kích thích trực tiếp sự hình thành gân. Người bệnh có thể tìm thấy Leucine trong một số nguồn thực phẩm như: đậu lăng, cá ngừ, cá tuyết, pho mát, hạnh nhân, sữa và whey protein.
Xem thêm: Tại sao dinh dưỡng phục hồi lại quan trọng?
Ngoài ra để biết chi tiết việc điều trị và chăm sóc Tổn thương Gân Achilles thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong video dưới đây cùng Bác sĩ Thể thao Nguyễn Trọng Thủy hiệu quả
6. Biện pháp nào giúp phòng tránh đứt gân Achilles?
Để giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề của gân Achilles, hãy làm theo các mẹo sau:
-
Kéo giãn và tăng cường cơ bắp chân. Kéo căng bắp chân cho đến khi bạn cảm thấy một lực kéo đáng kể nhưng không gây đau. Đừng bật nhảy trong khoảng thời gian kéo giãn. Các bài tập tăng cường bắp chân cũng có thể giúp cơ và gân hấp thụ lực mạnh hơn và ngăn ngừa chấn thương
-
Đa dạng các bài tập. Thay thế các môn thể thao cường độ cao như chạy với các môn cường độ thấp như đi bộ, đạp xe hoặc bơi. Tránh những hoạt động làm tăng quá nhiều sức ép lên gân Achilles như chạy bộ lên đồi và các động tác bật nhảy.
-
Cẩn thận trong việc chọn mặt bằng chạy. Tránh hoặc hạn chế chạy trên các mặt phẳng cứng hoặc dễ trượt. Mặc quần áo đúng cách để tập luyện trong thời tiết lạnh, và mang giày thể thao vừa vặn với phần đệm phù hợp ở gót chân.
-
Tăng cường độ tập từ từ. Chấn thương gân Achilles thường xảy ra sau khi tăng đột ngột cường độ luyện tập. Tăng khoảng cách, thời lượng và tần suất đào tạo của bạn không quá 10 phần trăm hàng tuần.
Hãy tham vấn ý kiến chuyên môn ngay khi người bệnh nghe tiếng bốp ở gót chân, nhất là khi không thể đi bộ bình thường sau đó.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!