Bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam: "Nghề cân não"
Trong căn phòng chừng 20m2, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy mặc chiếc áo blouse trắng, ngắm những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng đội tuyển U23 Việt Nam.
Những bức ảnh được anh đặt vào khung gọn gàng, trưng bày tại nhiều góc trong căn phòng. Bức ảnh chụp cùng huấn luyện viên Park Hang Seo, ảnh khi anh đang xử trí chấn thương cho cầu thủ Bùi Tiến Dũng hay ảnh anh dìu Đức Chinh ra sân để sơ cứu... Đặt tay lên từng bức ảnh, anh lau đi những vết bụi, mỗi ảnh đều dừng lại nhìn một lúc lâu. Đã gần hai năm kể từ giải Vô địch bóng đá U23 châu Á, những cảm xúc trong lòng bác sĩ Thủy vẫn còn vẹn nguyên.
"Nhiều người làm công việc bác sĩ thể thao như mình, song không phải ai cũng có cơ hội được chăm sóc sức khỏe cho những 'tài sản quốc gia', chính là các vận động viên bóng đá được hàng triệu người yêu mến. Mình cảm thấy rất tuyệt vời! Cảm ơn tất cả!", anh nói.
Trận đấu trong tuyết Thường Châu 2018
Bức ảnh chụp "tự sướng" cùng các cầu thủ đội tuyển Việt Nam tại Thường Châu năm 2018 làm bác sĩ Thủy bật cười. Trong ảnh, anh cầm chiếc điện thoại, thủ môn Bùi Tiến Dũng đứng cạnh cầm thêm cục tuyết, Đức Chinh, Văn Hậu... đứng phía sau, ai cũng hớn hở dù thời tiết lạnh cóng. Tất cả chỗ áo khoác, mũ len, găng tay... đều là do bác sĩ Thủy chuẩn bị cho các cầu thủ để giữ ấm khi sang Thường Châu.
Những ngày ở Thường Châu trước trận chung kết, anh vẫn thường đi mua gừng, pha trà gừng cho các cầu thủ uống giữ ấm bụng.
Bác sĩ Thủy (đầu tiên, phải) và các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam trước trận chung kết giải U23 Châu Á diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Bác sĩ Thủy cung cấp.
"Ở Thường Châu có rất nhiều kỷ niệm", nhìn bức ảnh, anh nói. Nhớ nhất là trong trận chung kết hôm đó, cầu thủ Bùi Tiến Dũng bị đánh đầu sứt vào môi, chảy máu rất nhiều. "Mình chỉ chực chờ tiếng còi của trọng tài để chạy vào sân".
Vết thương ở môi không thể băng bó để cầm máu, còn nếu khâu lại thì phải mất từ 3-5 phút, quá tốn thời gian. Bác sĩ chỉ có 10 giây để khám và đưa ra quyết định cuối cùng, cầu thủ có chơi được tiếp hay không. Nếu khám lâu quá, Bùi Tiến Dũng phải ra ngoài xử trí, trong khi bóng trên sân vẫn lăn. Nhưng nếu để máu vẫn chảy, vận động viên không được phép thi đấu.
Ngay tức khắc, bác sĩ Trọng Thủy lấy ra dụng cụ khâu "giống y như chiếc dập ghim". Dập một phát, đúng 3 giây sau, vết thương trên môi Bùi Tiến Dũng được liền lại, máu không chảy. Dũng tiếp tục thi đấu trên sân.
"Đó là một chấn thương khá phức tạp mà bác sĩ có thể đưa ra quyết định chỉ trong 10 giây. Thực sự mình không có thời gian để suy nghĩ hay căng thẳng. Mình làm như một bản năng, làm sao xử trí vết thương cho cầu thủ nhanh nhất".
Trở về nhà sau trận đấu hôm đó, bác sĩ Thủy phải tháo chỉ ra khâu lại cẩn thận cho Dũng, chỉ định uống thuốc và lên phác đồ điều trị cụ thể.
Chữa trị chấn thương cho cầu thủ
Theo đội tuyển U23 Việt Nam suốt mùa giải, "cũng có những quyết định 'cân não' hơn", bác sĩ nhớ lại. Trước trận bán kết đá với đội Qatar, thủ môn Bùi Tiến Dũng bị chấn thương đầu gối. Chấn thương này có từ trước nhưng hôm đó Dũng đau nhiều hơn, không thể tham gia được hết bài khởi động. Huấn luyện viên Park Hang Seo và huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Đức Cảnh giao toàn bộ quyết định Dũng có chơi được tiếp không cho bác sĩ Trọng Thủy. Anh kể: "Ông Park nói, 'ngày mai cho dù bất kỳ lý do nào, tôi sẽ không thay thủ môn, để dành số lượng thay 3 người để thay cho cầu thủ'".
Cả ngày hôm đó, anh trằn trọc, suy nghĩ, vừa nghĩ cách làm sao phục hồi chấn thương cho Dũng, vừa tìm bài test phù hợp để sáng mai Dũng làm thử, có kết quả mới báo cáo được lên huấn luyện viên. Dũng đang là thủ môn bắt rất tốt, nếu không bắt trận bán kết ngày hôm sau thì sẽ là điều rất đáng tiếc và lo lắng cho toàn đội.
Sau khi điều trị vết thương cho Bùi Tiến Dũng bằng thuốc và các phương pháp phục hồi vật lý trị liệu, đến sáng hôm sau, bác sĩ Thủy và Dũng dậy sớm, thực hành các bài kiểm tra vận động cơ chân. May mắn, chân Dũng hoạt động được trở lại.
"Trong trận đấu bán kết, mỗi bước di chuyển của Dũng không có phút nào tôi không lo", anh chia sẻ. Cuối cùng, sau hiệp penalty, tuyển Việt Nam vào chung kết U23 châu Á. Tuy không thi đấu nhưng người bác sĩ Thủy nhễ nhại mồ hôi. "Về đến phòng, các cầu thủ thấy tôi, ngồi lại bóp vai, hỏi thăm... gọi tôi là 'anh yêu' nữa, tôi thật sự xúc động", anh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - bác sĩ của đội tuyển U23 Việt Nam giải đấu U23 Châu Á năm 2018. Ảnh: Thúy Quỳnh.
Dinh dưỡng và thể lực
Chia sẻ về quá trình theo đội tuyển Việt Nam giải Vô địch U23 Châu Á, bác sĩ Thủy cho biết, trước khi đội tuyển tập trung, anh cùng ban huấn luyện lên kế hoạch cụ thể. Các cầu thủ được kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng cúm. "Việc tiêm phòng với mục đích đáp ứng các điều kiện thời tiết khác nhau, tối ưu hóa khả năng hấp thu thức ăn cho cầu thủ", anh nói. Muốn khỏe được phải ăn được. Bác sĩ lại lên kế hoạch tẩy giun cho các cầu thủ, cuối cùng là dinh dưỡng.
Một ngày, vận động viên tập 2 buổi, khoảng 4 tiếng, cùng với các chuyển hóa cơ bản, trung bình sẽ nạp từ 5.000-7.000 kcal (người bình thường nạp khoảng 2.000 kcal một ngày). Từ đó tính ra lượng thực phẩm phải dung nạp thế nào. So với các môn thể thao khác, bóng đá mất nhiều năng lượng hơn bởi phải hoạt động cường độ cao, thời gian kéo dài. Bác sĩ Thủy lên thực đơn cho các cầu thủ sẽ gồm ba thành phần chính là protein, mỡ, đường, ngoài ra còn có vitamin, khoáng chất và các chất xơ khác, tỷ lệ phần trăm nhất định.
Hầu hết bữa, các cầu thủ đều ăn buffet, nhưng bác sĩ sẽ hướng dẫn tập trung vào các món chính như các loại cá, đặc biệt là cá hồi, thịt bò, các loại hạt, chất xơ, rau củ, tôm, cua... Trước thi đấu một vài ngày, vận động viên sẽ bổ sung các thực phẩm nhiều tinh bột, nhiều đường. Sau thi đấu bổ sung nhiều đạm, mục đích để hồi phục sức khỏe cho vận động viên.
"Bởi vì lượng calo cần nạp vào nhiều như vậy, bữa ăn chắc chắn sẽ không đủ", bác sĩ nói. "100 g thịt bò, gà, cá nói chung (nhóm đạm) có khoảng 20 g protein thôi. 1g protein chỉ sản sinh 4 kcal, vậy thì phải ăn rất nhiều cũng chưa đủ. Vậy làm thế nào bổ sung cho đủ?". Các cầu thủ sẽ ăn thêm những loại hạt khô. Cùng với đó, một trong những phương pháp chính để các cầu thủ có sức khỏe tốt là phương pháp y sinh học.
Phương pháp y sinh học ngoài vấn đề cân bằng dinh dưỡng, vận động viên thường xuyên được bổ sung thực phẩm chức năng hàng ngày, kết hợp bổ sung nước và điện giải, vitamin, khoáng chất. Trước buổi tập một tiếng, cầu thủ sẽ uống 500-700 ml nước, sau đó uống thêm khoảng 300-400 ml nước nữa, 15-20 phút bổ sung nước, trung bình 150-200 ml nước một lần, tùy thuộc cơ địa của từng người và bài tập ra sao. Trong quá trình tập luyện, bác sĩ Thủy nhận thấy cầu thủ bị mất nước qua đường mồ hôi, hơi thở, mất nước kèm mất muối, điện giải, anh tự pha chế nước điện giải. Công thức gồm đường, muối, vitamin và khoáng chất pha với tỷ lệ nhất định.
Cơ thể mất nước, anh cho vận động viên theo dõi cân nặng trước và sau khi tập luyện, mục đích để kiểm soát cân nặng giảm đi. Sụt bao nhiêu cân thì phải bù bấy nhiêu nước và điện giải. Trung bình sau mỗi buổi tập, cầu thủ giảm 1-3 kg. "Cứ 1 kg trung bình phải hồi phục 1 lít nước", anh nói.
Ngoài y sinh học còn có các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
Sau buổi tập, vận động viên căng cơ ép dẻo, ráo mồ hôi, sau đó bác sĩ Trọng Thủy cho vận động viên ngâm nước lạnh trong khoảng dưới 10 phút. Anh tự mình chuẩn bị những phao nước, cho đá vào, với nhiệt độ từ 9-12 độ C. Nhiệt lạnh làm mát các vùng cơ bắp hoạt động nhiều. Khi cơ thể ngâm nước lạnh, mạch máu co lại, đẩy tất cả máu tồn đọng trong tổ chức về vạch trung tâm để chuyển hóa, hồi phục nhanh, giảm chấn thương trong quá trình tập luyện, tác động hệ thần kinh, giảm đau, chống viêm.
Khi ở Thường Châu, quá lạnh, các vận động viên chuyển sang tắm nước ấm sau tập luyện. "Nói chung tùy điều kiện thời tiết", anh nói. Có những trường hợp khi hồi phục nước điện giải đủ rồi sẽ xông hơi thêm để lượng mồ hôi bài trừ, rất tốt.
Bác sĩ Thủy kiểm tra lại các chấn thương chân cho Đình Trọng trước ngày thi đấu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Nghiệp bác sĩ thể thao
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, sinh năm 1980, bắt đầu vào việc tại phòng Khoa học Thể dục Thể thao - Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia từ năm 2007, nguyên là bác sĩ của các đội tuyển quốc gia và giải U23 châu Á năm 2018.
"Bạn bè cứ bảo mình sướng nhỉ, làm bác sĩ thể thao cho đội tuyển U23 thì suốt ngày được xem bóng đá. Thực ra lúc đấy mình đâu có được xem, phải tập trung quan sát những tình huống xảy ra trên sân, tư thế chấn thương như nào, bị cái gì, có thể thi đấu tiếp hay không, tất cả quyết định trong 10 giây", anh nói. "Một trận chỉ được thay tối đa 3 người thôi, nên mình phải làm thế nào để xử trí nhanh nhất, cầu thủ vẫn thi đấu được tiếp".
Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đấu như vậy, trước ngày trận đấu diễn ra, bác sĩ Thủy có nhiệm vụ rà soát lại toàn bộ trường hợp chấn thương bệnh lý từ trước xem vết thương đã ổn chưa, 8h sáng sẽ báo cáo với huấn luyện viên trưởng. Anh cũng phải đảm bảo sẵn sàng mọi dụng cụ, vật tư y tế, nước, thực phẩm chức năng... rồi lên kế hoạch cho bữa ăn. Trước khi ra sân, bác sĩ băng bó cho những trường hợp bị chấn thương trước đó.
Công việc của bác sĩ thể thao dựa trên nền tảng y học thông thường, kết hợp với hiểu biết về thể thao để điều trị, phục hồi chấn thương thể thao, tăng cường chức năng vận động cho vận động viện. Khác biệt của nghề bác sĩ thể thao là chuyên làm việc với những người có sức khỏe trên trung bình và hoạt động thể lực nhiều hơn.
Bác sĩ Thủy theo các vận động viên nhiều năm, từ lứa U20 thời huấn luyện viên Hữu Thắng đến nay. Nghề mang lại cho anh nhiều cảm xúc. "Tất cả hỉ, nộ, ái, ố chỉ gói gọn trong một trận thi đấu", anh nói.
Công việc thường xuyên phải đi công tác dài ngày, anh có gia đình luôn chia sẻ. Nhiều lúc đi theo đội chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ trong khi con ốm ở nhà. "Tôi nóng lòng, đứng ngồi không yên, nhưng cũng chỉ có thể động viên vợ con, quan tâm và hỏi han từ xa, Bản thân mình thì càng quyết tâm cố gắng hoàn thành công việc thật tốt để đội tuyển đạt kết quả tốt nhất, sớm về gặp gia đình trong niềm vui".
Thúy Quỳnh - Vnexpress