UNG THƯ PHỔI di căn XƯƠNG có chữa trị được không?
Người mắc ung thư phổi hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong các loại bệnh ung thư. Ung thư phổi nếu phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội cũng như phác đồ điều trị tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ có nhiều trường hợp phát hiện muộn đã chuyển sang giai đoạn di căn như di căn xương, di căn não... Vậy UNG THƯ PHỔI di ăn XƯƠNG có chữa trị được không?
1. Ung thư phổi di căn xương là gì?
Ung thư phổi di căn xương là tình trạng ung thư từ phổi lan đến xương thông qua hệ thống bạch huyết hoặc mạch máu. Thuật ngữ di căn mô tả tình trạng tế bào ung thư rời khỏi khối u nguyên phát đến các vị trí, cơ quan khác trên cơ thể và tạo khối u mới. Di căn xương ảnh hưởng đến 30%-40% người mắc ung thư phổi giai đoạn tiến triển (giai đoạn trễ).
Không có cách điều trị khỏi hoàn toàn ung thư phổi di căn xương, nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng sống cũng như kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Ung thư phổi có hai dạng chính gồm ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer – SCLC) chiếm 10%-15% ca mắc và ung thư phổi không tế bào nhỏ (non-small cell lung cancer – NSCLC) chiếm 80%-85% số ca mắc. Ung thư phổi di căn xương phổ biến hơn ở người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Có 20%-30% người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ đã ở tình trạng di căn xương ngay từ lần đầu chẩn đoán. 35%-60% người bệnh sẽ tiến triển di căn xương trong quá trình bệnh tiến triển.
Xem thêm: Những DẤU HIỆU cảnh báo UNG THƯ SỚM bạn nên biết
2. Ung thư phổi di căn xương thường xảy ra ở giao đoạn mấy?
Ung thư di căn xương được xếp vào giai đoạn ung thư tiến triển (hay giai đoạn IV). Ở giai đoạn này, ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều cơ quan ở xa như tuyến thượng thận, gan, não, xương,… Lúc này, tiên lượng điều trị thường không tốt. Việc điều trị ung thư giai đoạn di căn xương chủ yếu nhằm kéo dài thời gian sống, giảm bớt triệu chứng, giảm đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
3. Quá trình ung thư phổi di căn đến xương diễn ra như thế nào?
Hầu hết các loại ung thư đều có thể di căn xương. Tuy nhiên, có một số bệnh ung thư có tỷ lệ di căn xương cao hơn như phổi, vú, thận, lymphoma, tuyến giáp, tuyến tiền liệt… Quy trình ung thư di căn xương có thể hiểu đơn giản như sau:
-
Khối tế bào ung thư hình thành trong phổi (khối u nguyên phát).
-
Tế bào ung thư bắt đầu di chuyển khỏi vị trí khối u nguyên phát ban đầu để di chuyển vào máu và hệ bạch huyết.
-
Tế bào ung thư di chuyển qua đường máu hoặc mạch bạch huyết đến xương.
-
Các tế bào ung thư phát triển trong xương, gây triệu chứng ung thư di căn xương.
Xem thêm: Những THÓI QUEN trong ăn uống hàng ngày dễ gây UNG THƯ
4. Người bị ung thư phổi di căn xương có các triệu chứng như thế nào?
Ngoài các triệu chứng điển hình của ung thư phổi, khi ung thư phổi di căn xương, người bệnh thường gặp thêm các triệu chứng như đau xương, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Đau là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện ở khoảng 80% người mắc ung thư di căn xương. Vị trí đau thường ở những vùng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như cột sống, xương sườn hoặc xương chậu. Một số triệu chứng khác có thể gặp khi bệnh ung thư phổi di căn xương như:
-
Xương yếu, dễ gãy: Gãy xương dù chỉ gặp tác động nhẹ hoặc không có chấn thương rõ ràng. Gãy xương thường xảy ra ở xương dài như xương đùi hoặc xương cột sống. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi cử động, đứng dậy hay bước đi, thậm chí mất khả năng vận động.
-
Tăng calci (canxi) máu ác tính: Khi ung thư phá hủy xương, canxi từ xương có thể giải phóng vào máu, dẫn đến tăng canxi máu. Triệu chứng bao gồm: Khát nước nhiều, tiểu nhiều, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, mệt mỏi, yếu sức, lú lẫn, thậm chí hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng.
-
Chèn ép tủy sống: Nếu ung thư di căn vào cột sống, khối u có thể chèn ép vào tủy sống, gây các triệu chứng như đau lưng, yếu chân, tê bì hoặc mất cảm giác ở tay chân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất kiểm soát tiểu tiện và đại tiện, cần can thiệp y tế khẩn cấp.
Ung thư di căn xương ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh có thể mất khả năng vận động, gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, phụ thuộc vào người chăm sóc, dễ loét da do nằm lâu, teo cơ, tăng nguy cơ huyết khối…
Ung thư di căn xương không chỉ gây đau đớn, còn làm giảm khả năng phục hồi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Tâm lý người bệnh cũng ảnh hưởng, dễ gặp trầm cảm và cảm giác bị cô lập. Việc điều trị và chăm sóc toàn diện là rất cần thiết để giảm bớt các biến chứng này.
Người bệnh có thể cần xạ trị hoặc phẫu thuật để khắc phục các triệu chứng di căn xương, tăng chất lượng sống. Về vị trí, di căn xương phổ biến nhất ở các vị trí cột sống (40%-50%), xương sườn (20%-27%) và xương chậu (17%-22%).
Xem thêm: Những THỰC PHẨM được yêu thích nhưng lại là NGUYÊN NHÂN gây UNG THƯ
5. UNG THƯ PHỔI di căn XƯƠNG có chữa trị được không?
Hiện, ung thư phổi di căn xương không thể điều trị triệt để. Người bệnh có thể được điều trị để kéo dài thời gian sống, bảo tồn chức năng xương, giảm nhẹ triệu chứng bệnh và tăng chất lượng sống. Các bác sĩ có thể kết hợp điều trị đa chuyên khoa với nhiều phương pháp như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc chống hủy xương, thuốc giảm đau,…
6. Người bị ung thư phổi di căn xương có thể sống được bao lâu?
Theo dữ liệu theo dõi người bệnh ung thư của Hoa Kỳ SEER năm 2024, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư phổi giai đoạn di căn khoảng 8,9%. Khoảng 53% người bệnh khi phát hiện ung thư phổi, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn di căn. Vì thế, tỷ lệ sống trung bình của người ung thư phổi rất thấp, chỉ khoảng 26,7%. Với người bệnh ung thư, 5 năm là mốc thời gian “tiêu chuẩn” xác định tỷ lệ sống của người bệnh. Người bệnh sống trên 5 năm từ sau khi chẩn đoán ung thư lần đầu được xem như điều trị thành công.
7. Phương pháp điều trị cho bệnh nhân UNG THƯ PHỔI di ăn XƯƠNG như thế nào?
Điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi di căn nói riêng là điều trị đa mô thức, tức kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm đạt mục đích điều trị tốt nhất.
7.1. Điều trị toàn thân
Các phương pháp điều trị toàn thân có thể tấn công, làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể, được dùng để hạn chế triệu chứng ung thư cũng như nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Những phương pháp điều trị phổ biến gồm:
7.1.1. Hóa trị
Đây là liệu pháp điều trị toàn thân phổ biến nhất, dùng các hóa chất gây độc tế bào để tấn công các tế bào ung thư. Hóa chất có thể gây độc cho cả các tế bào lành trong cơ thể. Hóa trị có thể thu nhỏ khối u ung thư, làm chậm quá trình phát triển của ung thư di căn xương, từ đó, giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
7.1.2. Liệu pháp nhắm trúng đích (targeted therapy)
Là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng các loại thuốc hoặc chất để nhắm vào các phân tử đặc hiệu (thường là protein) có vai trò quan trọng trong sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư, đồng thời hạn chế tác động lên các tế bào bình thường. Một số loại ung thư phát triển nhanh hơn do sự kích hoạt quá mức của các protein đặc biệt, như EGFR và ALK trong ung thư phổi. Thuốc nhắm trúng đích sẽ ngăn chặn hoặc làm giảm hoạt động của những protein này, từ đó làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của tế bào ung thư.
7.1.3. Liệu pháp miễn dịch (immune therapy)
Thuốc dùng trong liệu pháp miễn dịch giúp hệ miễn dịch tìm và tấn công tế bào ung thư hiệu quả hơn. Các tế bào ung thư có khả năng “lẩn trốn” các tế bào miễn dịch. Các loại thuốc sẽ “đánh dấu” tế bào ung thư, tăng cường tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
7.1.4. Liệu pháp chống tiêu xương
Được sử dụng để làm giảm tình trạng hủy hoại xương, ngăn ngừa gãy xương và giảm đau. Các phương pháp này giúp tăng cường sức khỏe xương, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Dưới đây là các liệu pháp chống tiêu xương chính:
-
Bisphosphonates: Bao gồm zoledronic acid hoặc pamidronate, ngăn chặn hoạt động của các tế bào hủy xương (osteoclasts), làm giảm quá trình tiêu xương. Thuốc giúp giảm thiểu các biến chứng xương như gãy xương, chèn ép tủy sống và đau nhức do ung thư di căn xương.
-
Denosumab: là một kháng thể đơn dòng ức chế RANKL, một protein đóng vai trò chính trong việc kích hoạt tế bào hủy xương. Thuốc ngăn chặn quá trình hủy xương và giúp duy trì sự ổn định của xương.
-
Lợi ích của các thuốc chống tiêu xương: Giúp giảm đau, giảm nguy cơ gãy xương và hạn chế các biến chứng liên quan đến tiêu xương ở người bệnh ung thư di căn xương. Denosumab dùng được cho cả người có chức năng thận suy giảm, trong khi bisphosphonates cần được hiệu chỉnh liều tuỳ theo chức năng thận và không được sử dụng khi chức năng thận suy giảm nhiều.
-
Tác dụng phụ: Hoại tử xương hàm, giảm canxi máu (hypocalcemia)…
7.1.5. Liệu pháp điều trị bằng đồng vị phóng xạ (Radionuclide Therapy)
Phương pháp này dùng các chất phóng xạ (như Strontium-89 hoặc Radium-223) để tập trung vào các vùng xương bị tổn thương do di căn. Chất phóng xạ này được tiêm vào tĩnh mạch và sẽ tích tụ ở xương bị tổn thương, từ đó phá hủy các tế bào ung thư. Điều trị này hiệu quả trong việc giảm đau và giảm nguy cơ gãy xương tại nhiều vị trí di căn khác nhau trên toàn cơ thể. Tuy nhiên, có thể gây giảm tế bào máu (thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu).
7.1.6. Thuốc giảm đau
Nhiều loại thuốc giảm đau có thể được dùng cho người bệnh ung thư, tùy theo mức độ đau của người bệnh như các loại thuốc chống viêm không steroid hoặc steroid. Nhưng đa phần người bệnh đều sẽ cần các loại thuốc giảm đau mạnh thuộc nhóm opioid như morphin, fentanyl, hydrocodone,…
7.2. Điều trị tại chỗ tại vùng
Bên cạnh các phương pháp điều trị toàn thân, các phương pháp điều trị tại chỗ có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng đau hay ngăn ngừa các biến chứng như gãy xương, chèn ép cột sống do ung thư di căn xương:
-
Xạ trị: Xạ trị dùng chùm tia xạ có điều hướng để tiêu diệt các tế bào ung thư, hạn chế tổn thương mô lành, giúp giảm triệu chứng, làm chậm quá trình phát triển của ung thư.
-
Phẫu thuật: Phẫu thuật được dùng để ổn định xương gãy, ngăn ngừa nguy cơ nứt gãy xương do ung thư. Một số kỹ thuật thường dùng gồm cố định xương với vít, nẹp và tạo hình đốt sống bằng cách tiêm xi măng vào xương.
8. Áp dụng chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư phổi di căn xương
Chăm sóc giảm nhẹ thường được dùng cho người mắc bệnh nguy hiểm, tiên lượng xấu như ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ quan tâm đến việc cải thiện tinh thần, chất lượng sống của người bệnh và thân nhân. Chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư phổi di căn xương có thể bao gồm:
-
Giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh cả trong và sau khi kết thúc điều trị.
-
Chăm sóc về mặt tinh thần cho người bệnh, giúp người bệnh lạc quan, tích cực hơn trong quá trình điều trị.
-
Hỗ trợ về mặt xã hội, tâm lý cho người bệnh và thân nhân.
Ung thư phổi di căn xương là giai đoạn trễ của bệnh, tiên lượng thường không tốt. Bệnh có thể được chẩn đoán chính xác bằng các phương pháp hình ảnh như CT, MRI hay PET/CT. Hiện có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Hoặc đặt lịch khám trực tiếp TẠI ĐÂY
❣️ Thân ái!!!