Xử trí khi đau đầu gối sau tập thể dục, thể thao
Sau khi tập luyện thể dục, thể thao, tôi hay bị đau đầu gối. Tại sao và tôi cần xử trí thế nào, thưa bác sĩ? (Hùng, 22 tuổi)
Trả lời:
Nhiều người tập luyện thể dục thể thao gặp tình trạng đau đầu gối. Nguyên nhân là khi hoạt động, nhất là chạy bộ, đá bóng... đầu gối phải gánh một trọng lượng rất lớn, nếu không chọn đúng môn, đúng bài tập, tập sai cách, tập quá sức hoặc khởi động không tốt thì rất dễ bị đau khớp gối.
Nếu tập quá sức, bạn cần phải giảm tải sức nặng của bài tập sẽ giảm đau. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vùng đau bằng cách massage thường xuyên, thực hiện từ đùi xuống cẳng chân để tăng cường mạch máu nuôi dưỡng. Trong lúc massge, nên chú ý xem có những vùng cơ nào bị co cứng hay không để giải tỏa. Đặc biệt ở phần khớp gối, bạn nên dùng tay ấn xem chỗ nào đau nhiều thì masage nhiều hơn. Việc này lúc đầu có thể gây đau nhưng một lúc sẽ đỡ đau.
Ngoài ra, bạn có thể chườm mát bằng khăn lạnh. Đây là giải pháp phản ứng nhanh, dễ dàng áp dụng tại nhà để xoa dịu cảm giác đau nhức, mang lại hiệu quả cao đối với những trường hợp như: viêm khớp cấp tính, bệnh gout cấp tính, đau cổ, vai, gáy, lưng, đầu gối cấp tính và bong gân, trật khớp do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, vận động quá mức, làm việc sai tư thế... Bạn có thể sử dụng những nguồn nhiệt lạnh khác nhau, chẳng hạn: túi đá, gói gel lạnh, túi chườm lạnh y tế... đặt lên vùng bị đau trong khoảng 15-20 phút và mỗi ngày làm như vậy khoảng 3-4 lần mỗi ngày.
Nếu đau nhiều, chăm sóc khoảng một tuần không đỡ 50%, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra sớm. Trên thực tế, nhiều người lúc đầu đau một bên khớp gối nên chủ quan không đi khám hoặc không xem xét lại quá trình tập luyện của mình. Tình trạng này để lâu sẽ đau nhiều hơn dẫn đến biến chứng khớp gối, thoái hóa khớp gối, phải can thiệp y khoa. Vì vậy, bạn không nên chủ quan.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy
Trung tâm Y học thể thao Starsmec, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam
Theo https://vnexpress.net/