Mách bạn cách phòng tránh đau cứng cổ sau khi ngủ dậy
Tình trạng đau cứng cổ sau khi ngủ dậy kèm theo cảm giác nhức mỏi khó chịu, cử động khó khăn là tình trạng phổ biến xảy ra ở rất nhiều người. Đau cứng cổ sau khi ngủ dậy không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến tinh thần giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Những biểu hiện này có thể xuất phát từ thói quen ngủ sai tư thế hoặc căng thẳng quá mức, nhưng cũng có thể là triệu chứng của căn bệnh thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống cổ. Vậy làm thế nào để phòng tránh tình trạng đau cứng cổ sau khi ngủ dậy, mời quý độc giả hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
1. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau cứng cổ sau khi ngủ dậy?
Đau cổ sau khi ngủ dậy xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do ngủ sai tư thế bị đau cổ hoặc đó có thể là dấu hiệu của những bệnh xương khớp liên quan đến thoái hóa cột sống ở cổ.
Nguyên nhân thứ nhất có thể xuất phát từ tư thế ngủ: Ngủ sai tư thế (nằm sấp, quay đầu sang một bên..) khiến các mạch máu ở vùng cổ bị chèn ép, quá trình cung cấp oxy cho các tế bào cơ kém hẳn đi, axit lactic từ đó được giải phóng nhiều hơn – “thủ phạm” gây đau mỏi cơ. Hơn nữa, các chuyển động cổ diễn ra đột ngột trong khi ngủ cũng có thể gây sức ép khiến các cơ bị căng thẳng, dẫn đến đau.
Nguyên nhân thứ hai do gối kê đầu: Một số người sử dụng gối quá cao khi ngủ, về lâu dài có thể dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ, với triệu chứng ban đầu là đau cứng vùng cổ, đau tê vùng vai gáy. Tuy nhiên, việc dùng gối quá thấp hoặc không dùng gối lại khiến cổ ngửa ra phía sau, tạo sức căng lớn cho dây chằng cột sống cổ, gây đau nhiều hơn.
Nguyên nhân thứ ba có thể do cổ bị chấn thương trước đó: Thông thường, các loại chấn thương như chấn thương cổ, chấn thương thể thao không gây ra cơn đau ngay lập tức. Thay vào đó, bạn cảm nhận tình trạng đau cổ sau một vài ngày. Đặc biệt, các triệu chứng đau mỏi và cứng cổ thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi ngủ dậy.
Nguyên nhân thứ tư do chuyển động đột ngột khi ngủ: Các cử động đột ngột như ngồi bật dậy hoặc vung tay chân khi mơ ngủ, có thể gây ra tình trạng đau cứng cơ vùng cổ. Không chỉ vậy, một số tư thế lăn, trở người hoặc cố gắng ngủ, còn tạo ra áp lực nặng nề cho cổ. Tình trạng này nếu kéo dài thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, đồng thời khiến vùng cổ đau mỏi khi ngủ dậy.
Đau cứng cơ cổ sau khi ngủ dậy gây khó chịu và trở ngại cho hoạt động sinh hoạt hàng ngày
Nguyên nhân thứ năm thoái hóa các khớp ở cổ: Cột sống cổ của con người có 7 đốt sống (C1 – C7), theo thời gian các đốt sống C5, C6 và C7 là dễ bị thoái hóa nhất. Quá trình này làm bào mòn, xơ cứng các đốt xương, đĩa đệm và sụn khớp. Bệnh xảy ra phổ biến ở những người trên 50 tuổi, họ thường cảm thấy đau cứng cổ sau khi ngủ dậy, về sau cơn đau còn lan ra vai và cánh tay, gây nên cảm giác tê tay và chân hoặc ngứa ran ở tứ chi.
Nguyên nhân thứ sáu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống kề cận, cấu tạo gồm bao xơ bên ngoài và nhân nhầy ở trung tâm. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy chui qua khe hở của bao xơ bị rách, chui vào ống sống và chèn ép dây thần kinh. Dây thần kinh bị chèn ép ở vùng cổ thường gây ra những cơn đau dữ dội, hoặc đau dai dẳng nhưng tăng dần theo thời gian.
2. Những cách nào có thể phòng tránh được tình trạng đau cứng cổ sau khi ngủ dậy?
◾ Cần phải chú ý tư thế ngủ hợp lý. Đối với người nằm ngửa khi ngủ, bạn nên đặt một chiếc khăn được cuộn lại hoặc gối bên dưới cột sống cổ để duy trì tư thế ngủ thoải mái. Những người ngủ nằm nghiêng nên đặt thêm một chiếc gối ở giữa hai đầu gối để giữ cho cột sống thẳng hàng. Cần lưu ý không kê gối ngủ cao hơn so với đầu, nhằm ngăn ngừa tình trạng cứng cổ. Đặc biệt, bạn không được nằm sấp khi ngủ vì có thể gây áp lực lên dạ dày và vùng đầu vai cổ, khiến cổ bị sái mỏi khi ngủ dậy.
◾ Bạn nên chọn gối kê đầu cho phù hợp. Ngoài thay đổi tư thế ngủ, bạn nên lựa chọn gối kê đầu phù hợp để nâng cao chất lượng giấc ngủ cũng như phòng ngừa đau cổ khi ngủ dậy. Cụ thể:
- Lựa chọn gối ngủ có quy cách “chuẩn” là cao 8 – 15 cm, dài 60 cm, rộng 30 cm, đồng thời ưu tiên loại gối được làm bằng mút hoạt tính để hỗ trợ tốt cho đầu và cổ.
- Không được sử dụng gối ngủ quá cứng vì có thể ảnh hưởng đến cơ vùng cổ.
◾ Hãy lựa chọn một tấm nệm có độ cứng vừa phải để toàn thân được thư giãn, hỗ trợ nâng đỡ cho vùng lưng và cổ của bạn.
◾ Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, tránh gây áp lực lên cơ vùng cổ, để cổ được nghỉ ngơi, xoa bóp, mát xa cổ trước khi ngủ và sau khi thức dậy có thể giúp hạn chế tình trạng cứng khớp cổ.
◾ Tắm nước ấm trước khi đi ngủ.
◾ Không nên làm việc liên tục trong thời gian dài, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
◾ Bổ sung đủ các nhóm dưỡng chất như vitamin B, C, E, K,...
Tình trạng đau cứng cổ khi ngủ dậy có thể tự khỏi sau vài ngày chăm sóc. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên chủ động đi khám ngay tại cơ sở chuyên khoa Thần kinh cột sống, xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình, nếu như tình trạng đau mỏi tiếp tục kéo dài 3 – 4 ngày kèm các triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu, đau ngực và khó thở ... Để các bác sĩ của chuyên môn đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý nhất.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!