Bài viết chuyên môn

Xử trí chấn thương thể thao thường gặp

Hơn 80% chấn thương của cầu thủ ở phần chi dưới gồm đùi, cơ bắp, khớp cổ chân, khớp gối... Sơ cứu đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho biết bóng đá là môn thể thao đối kháng trực tiếp, luôn luôn phải hoạt động thể lực với cường độ cao, thay đổi liên tục, không theo chu kỳ và thời gian kéo dài. Đặc điểm này khiến cầu thủ và người chơi có thể bị chấn thương ở bất kỳ vị trí, cơ quan nào trên cơ thể.

Cầu thủ bóng đá chủ yếu chơi bằng chân nên hơn 80% chấn thương nằm ở phần chi dưới. Trong đó, tổn thương do quá tải vận động 9-35%, chấn thương khớp cổ chân 17-19%, khớp gối 15-16%. Chấn thương cơ đùi và cơ bắp chân thường gặp nhất, chiếm khoảng 24-26%, như bị đụng dập, đứt, rách cơ...

Bác sĩ Trọng Thủy cho biết xử trí ban đầu rất quan trọng nhằm giảm triệu chứng, giúp ổn định, góp phần làm tổn thương lành nhanh và tốt nhất.

Chấn thương phần mềm

Chấn thương phần mềm chiếm 80% thương tích trong thể thao. Thường gặp là bị thương gân, cơ và dây chằng ở nhiều mức độ khác nhau có thể do va chạm trực tiếp hoặc bị kéo căng quá mức, vặn xoắn, co rút đột ngột với nhiều mức độ khác nhau gây giãn, rách, đứt, đụng dập...

Chấn thương phần mềm được phân loại từ độ 1 đến độ 3. Mức độ một có cảm giác đau thoáng qua, không ảnh hưởng sinh hoạt bình thường, vùng bị thương chưa quá sưng, bầm hoặc chỉ đau nhiều khi vận động nặng, chịu lực lớn, số lượng bó sợi bị rách khoảng 25%. Thương tích này có thể tự khỏi sau 1-2 tuần.

Tổn thương mức độ hai gây sưng bầm tụ máu tại chỗ, đau nhiều, giới hạn một phần vận động của cơ, mất vững một phần của khớp. Dây chằng bị rách từ 25% đến 75% số sợi.

Mức độ ba, các dấu hiệu của độ hai tăng lên nhiều, có thể cảm thấy khi sờ dưới da, khớp sưng nhiều, mất vững và có thể bị bán trật hoặc trật khớp hoàn toàn và đứt hoàn toàn số sợi gân - cơ hay dây chằng.

Xử trí: Áp dụng theo công thức R.I.C.E. Với chấn thương mức độ hai và ba, có thể áp dụng R.I.C.E để giảm đau, sau đó bệnh nhân phải được khám và điều trị chuyên khoa.

Phác đồ R.I.C.E trong thể thao gồm:

R (rest), nghĩa là nghỉ ngơi. Người chơi hoặc vận động viên ngừng lập tức việc tập luyện, thi đấu, có thể bất động tạm thời chi bị chấn thương từ 24 đến 72 giờ bằng nẹp.

I (ice), tức chườm lạnh. Có thể chườm mát để giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm. Không nên chườm quá lạnh và quá lâu có thể gây bỏng lạnh và thiểu dưỡng vùng bị tổn thương, có thể phối hợp với băng ép. Thực hiện chườm lạnh trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương, mỗi lần chườm lạnh kéo dài trong 15-30 phút, sau đó nghỉ khoảng 1-2 tiếng tùy vị trí, mức độ tổn thương, thể trạng và cơ địa, nhiệt độ chườm tốt nhất từ 6 đến 12 độ C.

C (compression), băng ép, người xử trí quấn băng đè lên vùng bị thương để giúp cầm máu tốt hơn, giảm phù nề và tràn dịch. Băng đúng cách là quấn từ dưới vùng bị thương 10-12 cm, qua vùng bị thương lên đến 15-20 cm, băng diện tích rộng, lực quấn băng vừa phải, không nên quấn quá chặt sẽ dẫn đến như chèn ép mạch máu, không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho vùng bị thương, thỉnh thoảng phải nới lỏng hoặc tháo băng.

E (elevation), treo cao tay hoặc kê cao chân bị thương. Cách này giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm, đặc biệt đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10-15 cm so với tầm tim, trong 24-72 giờ đầu.

Lưu ý: Trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương tăng lên, chảy máu và sưng nề nhiều hơn, tăng viêm và kéo dài, làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu. Đối với dây chằng, xoa bóp với các loại dầu có thể kích thích hình thành các mô sợi thay thế cho các sợi collagen dẫn đến giảm tính đàn hồi, chắc của dây chằng, sau khi lành dây chằng trở nên yếu và dễ bị tổn thương lại.

Có thể uống thuốc giảm đau thông thường để đỡ đau. Nếu sau 24-72 giờ tổn thương không giảm nhiều, tổn thương ban đầu trầm trọng hơn, bệnh nhân phải đến bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để kiểm tra.

Cầu thủ bóng đá bị chấn thương. Ảnh: Woodbridge Physiotherapy.

Cầu thủ bóng đá bị chấn thương. Ảnh: Woodbridge Physiotherapy.

Chấn thương khớp

Khi bị chấn thương, hai mặt khớp bị xê dịch ra khỏi vị trí bình thường. Chấn thương tạo thành do lực tác động lớn làm đứt, rách bao khớp, dây chằng quanh khớp và có thể tổn thương sụn khớp.

Chấn thương khớp khiến người chơi bị đau dữ dội, nghe tiếng "bực" hay "rắc", khớp mất khả năng vận động, biến dạng, có thể sưng bầm quanh khớp với nhiều mức độ khác nhau.

Xử tríBăng bất động khớp ở nguyên tư thế bị trật với nẹp và băng thun. Người chơi có thể chườm mát để giảm đau, sau đó nhanh chóng tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Không tự ý kéo nắn khi chưa nắm rõ phương pháp hoặc xoa bóp dầu nóng vì có thể làm tụ máu nhiều trong bao khớp, gây cứng khớp hoặc lỏng khớp hoặc có thể làm gãy đầu xương khi kéo nắn.

Chấn thương xương

Có thể bị gãy xương do lực mạnh, đột ngột hoặc lực lặp lại nhiều lần dẫn đến gãy xương từ từ, lâu ngày.

Khi bị gãy xương đột ngột, người chơi bị đau, sưng bầm, giảm cơ năng vùng bị chấn thương, biến dạng vùng bị gãy, đau chói và sờ cảm thấy lạo xao, chi bị chấn thương cử động bất thường.

Gãy xương do mệt diễn ra từ từ và ít gây chú ý hơn, có biểu hiện đau và sưng vùng xương chịu lực, ví dụ ở bàn chân, xương gót, cổ xương đùi, cột sống... sau khi tập luyện nặng, có thể dẫn tới mất khả năng vận động chi đó.

Xử tríSau khi bị chấn thương, vận động viên hoặc người chơi cần được giữ cố định tại chỗ, tránh vận chuyển ngay vì có thể gây sốc chấn thương. Để sơ cứu, cắt bỏ trang phục quanh vùng bị thương và làm nẹp cố định xương gãy. Có thể chườm mát quanh vùng xương gãy để giảm đau, sưng. Không được bó, đắp thuốc vào vùng bị thương vì dễ khiến xương không lành, nhiễm trùng, viêm xương.

Theo Chi Lê - Vnexpress

Bài viết liên quan
  • Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG THỦY tham gia chương trình KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ cho bà con vùng lũ sau bão yagi
    Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG THỦY tham gia chương trình KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ cho bà con vùng lũ sau bão yagi

    Ngày 21/9, Đảng ủy Cục Quản lý xây dựng và doanh trại (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái, Hội thiện nguyện của bác sĩ Minh - Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - Trung tâm y học thể thao Starsmec và một số nhà hảo tâm tổ chức chương trình trao tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nhân dân bị thiệt hại do bão số 3, tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

    Đọc thêm
  • Trung tâm Y học Thể Thao Starsmec hướng về đồng bào miền Bắc nơi bão lũ
    Trung tâm Y học Thể Thao Starsmec hướng về đồng bào miền Bắc nơi bão lũ

    Bão Yagi (bão số 3) ập đến nước ta với sức tàn phá khủng khiếp, cùng với hoàn lưu của bão đã khiến đồng bằng và vùng núi phía Bắc lũ lụt, sạt lở kinh hoàng. Chỉ trong 1 tuần, các khu vực miền núi phía Bắc hứng chịu nhiều bị thiệt hại nặng nề, cả về người và tài sản. Nhìn lại trận bão lũ vừa qua, cũng như sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, về những mất mát của bà con vùng bão lũ, những tấm gương hy sinh, và những nghĩa cử cao đẹp thấm đượm tình dân tộc nghĩa đồng bào. Bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy cùng Trung tâm Y học Thể Thao Starsmec cùng chung tay chia sẻ những khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.

    Đọc thêm
  • Những bệnh lý XƯƠNG KHỚP thường gặp ở TÀI XẾ LÁI XE
    Những bệnh lý XƯƠNG KHỚP thường gặp ở TÀI XẾ LÁI XE

    Do khi lại xe, tài xế ít khi hoạt động đầu, cổ vai nên dễ dẫn đến các bệnh về xương khớp. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không được điều trị kịp thời, các vấn đề về cơ xương khớp của những người lái xe thường xuyên có thể phát triển thành những bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Chúng ta cùng tìm hiểu những bệnh lý XƯƠNG KHỚP thường gặp ở TÀI XẾ LÁI XE.

    Đọc thêm
  • Lưu ý những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp
    Lưu ý những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp

    Có thể bạn chưa biết, sa sút trí tuệ thường gặp nhất ở người lớn tuổi hoặc những người gặp phải các chấn thương ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Mặc dù chứng sa sút trí tuệ không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra một số rắc rối không nhỏ cho đời sống hàng ngày của người bệnh. Vậy sai sút trí tuệ là gì? Lưu ý những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp nào? Chúng ta cùng tìm hiểu thêm thông tin dưới đây.

    Đọc thêm
  • Những TÁC DỤNG PHỤ thường gặp khi sử dụng THUỐC AN THẦN
    Những TÁC DỤNG PHỤ thường gặp khi sử dụng THUỐC AN THẦN

    Hiện nay, cuộc sống hiện đại thường kéo theo nhiều áp lực mệt mỏi và thuốc an thần gần như một biện pháp để điều hòa tâm trí, cải thiện tâm lý và giấc ngủ mà mọi người cần. Tuy nhiên, uống thuốc an thần có ảnh hưởng gì không? Những TÁC DỤNG PHỤ thường gặp khi sử dụng THUỐC AN THẦN như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông tin dưới đây nhé.

    Đọc thêm
  • Một số BIẾN CHỨNG thường gặp khi bị RỐI LOẠN NHỊP TIM
    Một số BIẾN CHỨNG thường gặp khi bị RỐI LOẠN NHỊP TIM

    Rối loạn nhịp tim là bệnh lý tim mạch khá phổ biến hiện nay. Một số rối loạn nhịp tim nhẹ thường không gây nguy hại gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, các loại rối loạn nhịp khác nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thông tin về một số BIẾN CHỨNG thường gặp khi bị RỐI LOẠN NHỊP TIM và biện pháp phòng ngừa nhé.

    Đọc thêm