Những BIẾN CHỨNG và TÁC HẠI khi bị KIẾN BA KHOANG đốt
Đầu mùa mưa hằng năm là thời điểm kiến ba khoang bắt đầu xuất hiện nhiều. Vết đốt của kiến ba khoang có thể gây bỏng rát, phồng rộp và để lại sẹo thâm nhiều tháng sau khi lành. Trên thực tế, kiến ba khoang có độc tố rất mạnh và gấp nhiều lần so với nọc độc của rắn hổ mang. Vì vậy, khi bị kiến ba khoang cắn rất nguy hiểm. Ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu những BIẾN CHỨNG và TÁC HẠI khi bị KIẾN BA KHOANG đốt và cách phòng chống nhé.
1. Thông tin về kiến ba khoang
Kiến ba khoang thuộc họ cánh cụt Staphilinidae, bộ cánh cứng Colleoptera, lớp côn trùng insecta, ngành động vật. Về mặt hình thái học của loài kiến ba khoang rất đặc biệt, chúng có thân hình thon dài như hạt thóc, dài 1- 1.2cm và có chiều ngang chỉ khoảng 2-3 mm. Trên thân có nhiều màu sắc khác nhau nhìn giống con kiến. Do vậy, người ta thường gọi với nhiều cái tên khác nhau như kiến kim, kiến hoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến cong hay kiến nhốt,...
Loài kiến ba khoang gồm có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh. Trên cơ thể đôi khi có màu cam tối hoặc sậm hơn và nhọn ở vùng bụng. Vùng bụng trên và đầu màu đen, ở giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh có đính kèm đôi cánh cứng. Một đôi cánh của kiến ba khoang trong suốt được gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, kiến ba khoang sẽ được nhìn thấy bò nhanh hoặc bò lê ở xung quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường kiến ba khoang sẽ tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh về phía trước.
Kiến ba khoang thích sống ở nơi nóng ẩm, do đó chúng phổ biến ở các vùng có khí hậu ẩm ướt. Chúng thường sống ở ruộng, bãi cỏ, bãi rác, công trình đang xây dựng,... những nơi ẩm ướt. Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa mưa- thời điểm độ ẩm cao, thời tiết ấm- thuận lợi cho chúng phát triển. Khi mưa, các ao hồ, đồng ruộng ngập hết nước thì kiến ba khoang sẽ đi tìm nơi khô ráo để ẩn nấp, đặc biệt là vào nhà.
Một đặc điểm rất đặc biệt của kiến ba khoang là chúng rất thích ánh sáng điện, đặc biệt là ánh sáng từ đèn huỳnh quang. Khi đó, chúng sẽ theo ánh sáng vào nhà và làm tăng nguy cơ bị kiến đốt.
Thức ăn của kiến ba khoang cũng rất đa dạng, chủ yếu là các loại côn trùng nhỏ. Chúng thường ăn rầy, rệp, bồ hóng, sâu nhỏ,...
Kiến ba khoang đốt rất độc. Điều này là do bên trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin. Pederin là chất có độc tính rất mạnh, mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy nhiên, nó không gây tử vong vì lượng chất độc nhỏ và chỉ tiếp xúc ở ngoài da.
2. Những BIẾN CHỨNG và TÁC HẠI khi bị KIẾN BA KHOANG đốt
Khi bị kiến ba khoang đốt, chất độc Pederin xâm nhập vào cơ thể. Chất Pederin có thể gây rộp, phỏng da, viêm ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Viêm da do bị kiến 3 khoang đốt thường xuất hiện ở các vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
(Độc tố pederin có mức độ gây bỏng cao gấp 100-150 lần so với acid sulfuric. Khi ta vô tình chạm phải hay chà xát cơ thể kiến ba khoang, chất độc sẽ tiết ra gây viêm da tiếp xúc. Pederin có thể gây bỏng, phồng rộp, lở loét trên da, thậm chí làm bỏng võng mạc nếu tiếp xúc với mắt.)
Trên vùng da bị tổn thương, xuất hiện các vùng dát đỏ, thành vệt, nền hơi cộm. Bên cạnh đó còn xuất hiện các mụn nước hoặc có mủ nhỏ li ti ở giữa. Một số vùng tổn thương thì hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện 12-36 giờ kể từ khi bị kiến ba khoang đốt. Nếu viêm da không được chữa trị sẽ tiến triển sang loét. Khi đó những tổn thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y... Nếu độc tố dính vào mắt có thể dẫn đến viêm kết mạc và sưng phần mô mềm xung quanh mắt. Nặng hơn có thể mù tạm thời.
Vết thương do kiến ba khoang gây đau rát, ngứa ngáy, dễ lây lan nếu tiếp xúc với vùng da khác trên cơ thể. Nếu được điều trị, vết bỏng do kiến ba khoang gây ra thường lành sau khoảng 1 tuần, tuy nhiên, sẹo thâm có thể lưu lại trên da nhiều tháng.
3. Khi bị kiến ba khoang đốt chúng ta cần làm gì?
Ngay sau bị kiến 3 khoang đốt, rửa sạch vùng da bị cắn bằng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu để làm giảm sự khó chịu trên da. Tiếp sau đó là đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn. Không tự ý mua thuốc để bôi hoặc dùng các biện pháp dân gian như đắp lá thuốc khi bị kiến ba khoang cắn. Điều này có thể làm cho vùng tổn thương lan rộng hơn và nhiễm trùng.
Sau khi bị kiến ba khoang đốt, vùng da tổn thương sẽ xuất hiện cảm giác khó chịu và ngứa. Lúc này, người bệnh không gãi hay xoa da. Nếu ngứa quá có thể chườm lạnh để làm giảm các triệu chứng.
Một lưu ý đặc biệt quan trọng khi bị kiến ba khoang đốt hoặc bám trên người là không được đập chúng bằng bất kỳ phương tiện nào. Nếu thấy chúng bò trên da, nên thổi nhẹ cho nó bay đi hoặc dùng tờ giấy để kiến bò vào và vứt đi.
Rửa vùng da tiếp xúc sau khi lấy tay đập hoặc chà xát lên kiến ba khoang. Điều này giúp loại bỏ độc tố của chúng và hạn chế các tác dụng mà nó gây ra.
4. Bị kiến ba khoang cắn có lây không?
Kiến ba khoang cắn để lại rất nhiều hậu quả và biến chứng. Như vậy, khi bị kiến ba khoang cắn có lây không? Khi bị kiến ba khoang đốt, độc tố Pederin xâm nhập vào cơ thể. Khi có một kháng nguyên lạ xâm nhập, theo cơ chế miễn dịch, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để loại bỏ kháng nguyên này. Phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể sẽ gây ra các hiện tượng viêm, mụn, phồng rộp, ngứa,... Do đó, bị kiến ba khoang đốt sẽ không lây từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, nếu người bệnh gãi lên vùng da tổn thương do bị kiến ba khoang đốt thì tổn thương sẽ lan rộng hơn, thậm chí là lan khắp cơ thể. Do đó, cần cẩn thận khi bị kiến ba khoang đốt.
Như vậy, bị kiến 3 khoang đốt không có khả năng lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nó có thể gây ra những tổn thương lớn trên da. Do đó, cần cẩn thận trong đời sống và trong lao động để hạn chế tối đa kiến ba khoang cắn.
5. Làm thế nào để tránh biện kiến ba khoang đốt
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo trước tình trạng kiến ba khoang đang tấn công tại nhiều khu dân cư, nếu kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, bởi vì kiến ba khoang có tập tính ưa ánh sáng đèn huỳnh quang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng.
Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:
-
Sử dụng lưới tại các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào;
-
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường, phát quang bụi rậm, cũng như cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này;
-
Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, đặc biệt là ở những vùng gần đồng ruộng, gần công trình đang xây dựng hay khu dân cư nhiều ánh đèn;
-
Tắt bớt những bóng đèn không cần thiết vào ban đêm;
-
Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn nhằm tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc;
-
Với những vùng có xuất hiện mật độ kiến ba khoang nhiều, cần tiến hành phun thuốc diệt kiến ba khoang tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà.
Tóm lại, kiến ba khoang là một loài côn trùng có chứa chất độc mạnh. Nếu vô tình bị kiến ba khoang cắn sẽ dẫn tới tổn thương da. Tác hại của kiến ba khoang cắn không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu bị dính vào mắt có thể dẫn tới tổn thương niêm mạc, thậm chí mù tạm thời. Vì vậy, cần phải có biện pháp phòng ngừa và biết cách xử trí khi bị cắn. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu như phồng rộp da, ngứa, tình trạng viêm tăng dần,... cần tới ngay cơ sở y tế để được đánh giá và có biện pháp can thiệp phù hợp.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!