Những người đứng sau tấm huy chương
Bên cạnh các vận động viên thể thao Việt Nam tại các giải đấu quốc tế có những con người làm công việc rất thầm lặng. Họ là những bác sĩ thể thao, luôn cần mẫn và vất vả để những “chiến binh” thêm mạnh mẽ, vươn đến vinh quang và chiến thắng.
Bác sĩ “gánh” cả đội tuyển
Với các vận động viên thể thao, những bác sĩ trong từng đội tuyển được coi là “bảo mẫu”. Họ tập cùng đội, theo dõi và xử lý chấn thương và lên thực đơn dinh dưỡng hợp lý để các “chiến binh” đạt phong độ cao nhất.
Bác sĩ Chu Văn Tấn hướng dẫn vận động viên phục hồi chức năng vận động và thể lực.
Ai cũng biết, trong thể thao, sự nghiệp của vận động viên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu các chấn thương không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bác sĩ Chu Văn Tấn, Trưởng khoa Y học thể thao (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) đã 17 năm “theo chân” các vận động viên tại rất nhiều giải đấu từ cấp châu lục cho đến thế giới. “Mỗi đội tuyển thi đấu ở bất cứ quốc gia nào, muốn hoạt động trơn tru phải sở hữu đội ngũ y tế thể thao bắt buộc, như: huấn luyện viên thể chất, bác sĩ thể thao, săn sóc viên hay kỹ thuật viên (phụ trách mát-xa, trị liệu), chuyên gia dinh dưỡng và cả tâm lý cho vận động viên. Việc nhiều, nhưng số bác sĩ còn ít nên một vài bác sĩ “gánh vác” cả một đội tuyển mấy chục người là điều bình thường. Tôi đã từng cùng một đồng nghiệp lo liệu sức khỏe y tế cho một đội tuyển 30 người”.
Bác sĩ Tấn có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có. Khắc sâu trong tâm trí nhất có lẽ là năm đầu tiên khi đi du đấu cùng đội tuyển tại SEA Games 23. Trước đó, khi chạy cự ly 800 m, vận động viên Đỗ Thị Bông đã đoạt Huy chương vàng. Tuy nhiên, tại cự ly 1.500 m, cô gái đã bị giật cơ, “gục ngã” khi còn cách vạch đích 3 m. Theo quy định, phải qua vạch mới được tính là hoàn thành nên cả đội đành ngậm ngùi. “Đi khắp các giải đấu, đều có vui có buồn. Vui là khi đội tuyển mình giành được những tấm huy chương là đại diện cho sự nỗ lực và quyết tâm. Được trực tiếp đứng đằng sau ngắm nhìn những khoảnh khắc đặc biệt ấy, cảm giác tự hào lắm chứ! Tuy nhiên, cũng buồn mỗi khi có vận động viên bị chấn thương, ảnh hưởng nhiều đến kết quả thi đấu. Đối với bác sĩ, điều quan trọng nhất là cố gắng ai cũng như ai, đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất ”, bác sĩ Tấn chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, bắt đầu vào việc tại Phòng Khoa học thể dục thể thao (Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia) từ năm 2007. Anh là 1/21 bác sĩ trong cả nước được đào tạo chính quy về y học thể thao và thường xuyên theo chân các đội bóng đá nam Việt Nam. “Trước đây chẳng thích thể thao, chắc do nghề chọn mình cho nên tôi gắn bó được 15 năm rồi đấy. Cả nước có 21 bác sĩ thể thao mà hiện nay chỉ còn sáu người bám trụ với nghề. Để thành một bác sĩ thể thao chuyên sâu thường mất từ 12 - 13 năm. Trong khi nhân lực, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Ở Việt Nam, ngành bác sĩ thể thao vẫn chưa bài bản, đòi hỏi bác sĩ thể thao phải tự học nâng cao kiến thức, học qua sách vở, học ở nước ngoài và qua kinh nghiệm điều trị để rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Vì thế bác sĩ phải nỗ lực rất nhiều mới có được thành công. Với chúng tôi, gắn bó với nghề cũng là vì cái duyên, vì đam mê”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Thủy, đi du đấu, ngoài thiếu thốn về nhân lực thì cơ sở vật chất cũng không đầy đủ. Trước đây, anh thường đi cùng các đội tuyển “U”, riêng U23 thì còn được mang theo hai cán bộ, còn các “U” thấp hơn thì một bác sĩ cáng đáng hết vận động viên. “Nhiều khi có những hôm, dù cho bật điều hòa âm trần “xịn”, lạnh đến thế mà tôi vẫn mướt mồ hôi, nhỏ từng giọt lên lưng cầu thủ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy kiểm tra chấn thương cho cầu thủ tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018.
Những “người hùng” thầm lặng
Lật những tấm ảnh vô giá, là kỷ niệm cùng các cầu thủ, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy bồi hồi nhớ lại những cảm xúc từng trận đấu lịch sử của đội tuyển Việt Nam trong bão tuyết tại Thường Châu (Trung Quốc) khi tham dự Giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018. Thời điểm đó, ít ai biết được đằng sau chiến thắng đầy cảm xúc của tuyển Việt Nam trước Qatar có sự đóng góp từ một quyết định “cân não” của… bác sĩ.
Trước trận bán kết, vào buổi đá làm quen sân, thủ môn Bùi Tiến Dũng bị dập sụn khớp đầu gối, rất nặng. “Chấn thương này có từ trước nhưng hôm đó Dũng kêu với tôi là đau nhiều hơn, không thể tham gia được hết bài khởi động. Huấn luyện viên Park Hang-seo và huấn luyện viên thủ môn Nguyễn Đức Cảnh đã giao toàn quyền quyết định việc Dũng có chơi được tiếp không cho tôi”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Cả ngày hôm đó, bác sĩ trằn trọc, vừa nghĩ cách làm sao phục hồi chấn thương cho Bùi Tiến Dũng, vừa tìm những thủ thuật phù hợp để sáng hôm sau Dũng làm thử, có kết quả mới báo cáo được huấn luyện viên. U23 năm đó Dũng đang có phong độ cực cao, là nhân tố quan trọng, không thể thiếu. Cả tối, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy chỉ tập trung chăm sóc cho Bùi Tiến Dũng, hai anh em cứ tự nhủ với nhau phải cố gắng hết sức mình, tới 200% “công lực”. Đến 7 giờ sáng hôm sau, bác sĩ Thủy và Dũng dậy sớm, thực hành các bài kiểm tra vận động cơ chân. May mắn, chân Dũng hoạt động được trở lại. “Tôi hỏi lại Dũng và Dũng trả lời rằng em chơi được. Nhìn vào ánh mắt của Dũng thấy sự tự tin và khát khao cống hiến, từ đó dẫn đến quyết định: Dũng sẽ có mặt tại bán kết. Trong trận đấu, mỗi một cú bật là từng sự cố gắng của Dũng. Ngồi ngoài đường pít, tôi cũng căng như dây đàn và luôn quan sát từng chuyển động nhỏ. Cuối cùng, sau loạt penalty cân não đưa U23 Việt Nam vào bán kết nhờ công lớn của Dũng, tôi mới được thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Thủy kể lại.
Bác sĩ thể thao như “bảo mẫu” của vận động viên về tập luyện, ăn uống, khẩu phần ăn dinh dưỡng. Nhưng, với gia đình, thì chính các bác sĩ thể thao lại không thể chăm lo được chu toàn. Theo các đội tuyển suốt, vì vậy việc nhà trông chờ vào “hậu phương vững chắc”. Bác sĩ Tấn chia sẻ, năm nay là cái Tết mà ông cảm thấy buồn nhất, khi các con thì đứa đi du học, đứa lấy chồng, ông lại phải trực từ 28 tháng Chạp đến mồng 1 Tết nên không thể ở bên cạnh vợ đón năm mới.
Với bác sĩ Thủy, bao nhiêu năm sát cánh cùng các đội tuyển, anh nhớ nhất là câu nói của vợ: “Nhiều lúc em cần anh thì anh không bao giờ có mặt”. Nghe xong chỉ biết cười trừ và cảm thấy thương vợ mình nhiều lắm. Bật cho tôi đoạn clip con trai anh làm một bài văn trên lớp thể hiện điều ước “Bố về nhà với con đi” mà anh Thủy không khỏi ngậm ngùi.
Câu chuyện của bác sĩ Thủy, bác sĩ Tấn và nhiều bác sĩ thể thao khác cũng khiến tôi nhận ra rằng, sau mỗi tấm huy chương lấp lánh, mỗi một thành tích vẻ vang, người ta thường gắn liền vinh quang đó đối với tên tuổi của các vận động viên. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau những chiến công ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng bác sĩ thể thao, cán bộ y tế, những con người thầm lặng luôn sát cánh bên các đội tuyển.
(Theo báo nhandan.vn)