Những ”bóng hồng” rèn thân thể bằng võ thuật
18h chiều trong khuôn viên trường học, Nga thắt đai, sửa lại võ phục rồi thúc giục mọi người ổn định đội hình để bắt đầu buổi tập.
Buổi tập thứ hai trong tuần, Nga và mọi người đang cùng nhau ôn lại bài cũ. Nắm chặt hai tay, vào tư thế đứng tấn, cô gái 1,58 m xoay người tung một đường quyền, hạ gục đối phương chỉ trong vài giây.
Một năm rưỡi tập luyện, Hồ Thiên Nga đã ba lần đổi màu đai và chinh phục đến cấp 6 trên tổng 8 cấp của bộ môn Taekwondo. Ngoài ra, câu lạc bộ cũng có nhiều "bóng hồng" lên được đai đen, là đai cao nhất và có thể trợ giảng cùng với thầy giáo.
"Em chưa bao giờ nghĩ học võ là để đánh nhau mà xem đây như môn thể thao để rèn luyện sức khỏe và tự vệ cho mình", Nga nói.
Câu lạc bộ võ Taekwondo trường Đại học Kinh tế Quốc dân có khoảng 200 bạn sinh viên, trong đó có đến 60% là nữ giới. Bộ môn này chủ yếu tập trung vào các kỹ thuật đấm, đá hoặc sử dụng cẳng tay, cùi chỏ, gối và sử dụng một số kỹ thuật níu, giữ, kéo ngã... Tập luyện Taekwondo còn cải thiện sức khỏe, nâng cao sức bền và giữ dáng hiệu quả nên được nhiều bạn nữ lựa chọn.
Hồ Thiên Nga, 20 tuổi, theo đuổi võ thuật một năm rưỡi, nói đây là đam mê từ nhỏ của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngồi nghỉ ngơi sau buổi tập luyện, Thiên Nga tranh thủ kể về cơ duyên đến với môn võ thuật này. Cô cho biết, gia đình quê gốc ở Bình Định, sáng nào cũng được xem ông đi quyền nên thấy hứng thú. Lên đại học, cô tình cờ biết đến câu lạc bộ rồi đăng ký. Thầy giáo khi đó lắc đầu, cho rằng "yếu đuối thế này khó mà bền" nhưng cô vẫn chọn Taekwondo để thử sức giới hạn của chính mình.
Lúc bắt đầu, cô chỉ tập được vài đường quyền đã thấm mệt, nhiều lần bầm tím vì chấn thương. Cô cũng nhận thấy sức bền của mình yếu hơn vì chỉ mới theo đuổi bộ môn này nên cơ thể không được dẻo dai, các động tác như xoạc chân rất hạn chế, chỉ xoạc dọc chứ không xoạc ngang, "thậm chí lâu không tập dễ bị cứng xương".
Từ ngày tập võ, cô ăn, ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái vì các bài tập có lợi hệ tim mạch. Ngoài ra, người tập võ luôn giữ cân ổn định, bởi khi cơ thể phát phì, việc thực hiện các đòn đánh cũng trở nên nặng nề và kém nhanh nhạy. Vì vậy, Nga luôn giữ cân nặng trong khoảng 47-50 kg để tập luyện dễ dàng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho biết tập võ đòi hỏi sự tập trung và phản xạ nhanh. Các động tác cũng đòi hỏi độ vận động cao, liên tục, có thể đốt trên dưới 500 calo cho mỗi giờ tập luyện, giúp giảm cân nhanh chóng, săn chắc cơ thể. Ngoài ra, tập thể thao nói chung và tập võ nói riêng sẽ giúp cho cơ thể tiết ra hormone Endorphin, hóa chất trong não giúp chúng ta có cảm giác hạnh phúc, tạo hưng phấn.
Bác sĩ Thủy nói, võ thuật sẽ có lợi cho nữ giới rất nhiều, làm giảm tích tụ mỡ gây béo phì và kéo dài tuổi xuân. Vận động giúp tuần hoàn máu đưa oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể, đồng thời sinh ra những hormone làm tinh thần sảng khoái và sản sinh collagen giúp làm chậm quá trình lão hóa da.
Câu lạc bộ hoạt động từ 18h đến 20h, một tuần hai buổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo các nghiên cứu về y học, hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hoá... trong cơ thể của nữ giới hoạt động tốt hơn nam giới và đặc biệt là khả năng chịu đau. Ví dụ, khi phụ nữ sinh thường, họ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, tương đương như bị gãy 20 cái xương một lúc. Với người bình thường, với cường độ đau như vậy có thể "sốc" dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, người tập thể thao cần tập trung và có ý thức bảo vệ cơ thể, phòng tránh chấn thương trong tập luyện và thi đấu võ thuật. Quan trọng nhất là bước khởi động kỹ, rồi tăng dần về cường độ, tần số và độ khó, không nên quá gắng sức. Thường xuyên bổ sung năng lượng, nước điện giải, vitamin và khoáng chất... trước, trong và sau khi tập luyện võ thuật. Đặc biệt, không tập luyện và thi đấu với cường độ cao khi chưa lành hoàn toàn các chấn thương trước đó.
"Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn không chỉ giúp chúng ta có một cơ thể cân đối, khỏe mạnh, cường tráng mà còn mang lại tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và tư duy tích cực", bác sĩ nhấn mạnh.
Trần Thu Giang được ví là "hoa khôi" của câu lạc bộ vì vẻ ngoài xinh xắn. Cô mang đai đỏ và đã tập được 10 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khác với Nga, Trần Thu Giang tập võ từ năm 10 tuổi. Trong nhà còn có hai chị gái cũng tập võ nên khi vào câu lạc bộ, cô không gặp nhiều khó khăn.
Giang cho biết, học Taekwondo là học cách thở. Trước khi đi quyền, cô lấy hơi cho phù hợp với tốc độ trận đấu, mức độ sức mạnh cần sử dụng rồi tung đòn quyết định. Tiếng hét vang lên càng to, rõ lúc ra quyền càng tăng cường tinh thần chiến đấu và giảm áp lực của đối phương.
"Duy trì hơi thở tốt tiếp thêm oxy vào phổi, tăng tuần hoàn máu, có thể tránh đau tim và đột quỵ", Giang chia sẻ. Luyện tốt phương pháp thở, Giang mới học đến bài quyền hay tư thế đấm, đá khó hơn. Tuy nhiên, thể lực nữ thường yếu so với nam nên cần phải tăng thời gian và tập kỹ hơn để hạn chế chấn thương.
Ngoài bài tập cá nhân, các thành viên trong câu lạc bộ còn tập theo nhóm, theo cặp để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng. Trong buổi học, giáo viên tổ chức thi đấu cặp để các học viên vừa thực hành vừa tiếp thu được lý thuyết sinh động. Tập võ còn tạo cơ hội cho mọi người được rèn luyện với cường độ cao, nắm được các đòn tự vệ cho bản thân nên thu hút nhiều bạn nữ tham gia luyện tập.
"Nhiều người nói con gái tập võ thì sẽ thô cứng vì nó chỉ dành riêng cho phái mạnh nhưng thực tế, ai tập võ cũng có những nét thu hút riêng. Miễn là bạn tập luyện để nâng cao sức khỏe thì đều đáng quý", Giang chia sẻ.
Theo Thùy An (vnexpress.net)