SUY GAN CẤP - Làm thế nào để nhận biết tình trạng này?
Suy gan cấp là một tình trạng bệnh lý phức tạp xuất hiện sau một tác động có hại đến gan. Biến chứng của suy gan cấp khá nghiêm trọng và nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Vậy SUY GAN CẤP - Làm thế nào để nhận biết tình trạng này?
1. Suy gan cấp là gì?
Suy gan cấp tính là tình trạng mất chức năng gan xảy ra nhanh chóng - từ 48 giờ cho đến vài tuần, ở người không có bệnh gan từ trước. So với suy gan mạn tính, suy gan cấp tính ít phổ biến hơn và cũng phát triển chậm hơn.
Suy gan cấp tính, còn gọi là suy gan tối cấp, có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng cần phải nhập viện cấp cứu. Trong đó có thể kể đến biến chứng chảy máu nặng và tăng áp lực trong não.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà suy gan tối cấp sẽ được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thì ghép gan có thể là phương pháp chữa trị duy nhất.
2. SUY GAN CẤP - Làm thế nào để nhận biết tình trạng này?
Triệu chứng của suy gan cấp khá tương đồng với các bệnh về gan, được biểu hiện như sau:
-
Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
-
Ngứa da, vàng da vàng mắt.
-
Cảm thấy buồn nôn và nôn.
-
Bụng đau khu vực gan (¼ phía trên, ở bên phải của ổ bụng).
-
Lú lẫn, thậm chí hôn mê.
-
Thờ ơ, khó ngủ nhưng cũng có khi ngủ lịm.
Nếu phát hiện ra bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu như mắt hoặc da chuyển vàng, bụng đau phần trên rốn hoặc tâm thần biến đổi biến thường, hành vi ứng xử, tính cách thay đổi thì hãy ngay lập tức đi khám bác sĩ.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến Suy gan cấp?
Suy gan cấp xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng đến mức không còn khả năng hoạt động. Nguyên nhân suy gan cấp có thể bao gồm:
-
Bệnh nhân uống quá liều Paracetamol: Uống quá nhiều acetaminophen (Tylenol hoặc những sản phẩm khác) là nguyên nhân suy gan cấp tính phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Tình trạng này thường xảy ra sau khi bạn dùng một liều acetaminophen rất lớn, hoặc sau một thời gian uống acetaminophen liều cao mỗi ngày. Nếu bạn hoặc người thân đã dùng quá liều acetaminophen, cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt, ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu suy gan;
-
Thuốc kê đơn: Bên cạnh đó, những loại thuốc kê đơn gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid cũng có khả năng gây suy gan cấp nếu không được sử dụng đúng cách.
-
Thảo dược bổ sung: Các loại thuốc thảo dược và chất bổ sung có liên quan đến suy gan cấp tính bao gồm kava (hồ tiêu rễ), chi Ma Hoàng, skullcap (Hoàng cầm và các loài cùng chi Scutellaria) và bạc hà hăng.
-
Mắc bệnh viêm gan và nhiễm các loại virus khác: Một số bệnh viêm gan A, B, C và các loại virus như herpes simplex, cytomegalo và Epstein-Barr cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới suy gan cấp.
-
Nhiễm độc: suy gan cấp tính có khả năng là hậu quả của việc ăn phải nấm độc Amanita phalloides hoang dã. Ngoài ra nếu bệnh nhân bị nhiễm phải một loại hóa chất công nghiệp tên là Carbon tetrachloride có trong chất làm lạnh, dung môi cho vecni, sáp hoặc các vật liệu khác cũng có thể gặp tình trạng suy gan cấp tính.
-
Mắc bệnh rối loạn chuyển hóa: các bệnh như gan nhiễm mỡ cấp tính trong thời gian thai kỳ, bệnh Wilson là bệnh lý hiếm gặp về chuyển hóa cũng là nguyên nhân của suy gan cấp.
-
Bệnh lý tự miễn: suy gan còn có thể do bệnh nhân bị tình trạng viêm gan tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch quay sang tấn công chính các tế bào gan của cơ thể, khiến gan bị viêm và tổn thương.
-
Nhiễm trùng huyết: tình trạng sốc và nhiễm trùng huyết sẽ khiến cho lưu lượng máu cung cấp tới gan bị suy giảm nghiêm trọng, dần dần tạo nên hiện tượng suy gan cấp.
-
Bệnh lý tĩnh mạch gan: ví dụ như hội chứng Budd - Chiari có thể làm tắc nghẽn tĩnh mạch gan dẫn tới suy gan cấp.
-
Ung thư: bao gồm ung thư nguyên phát tại gan và ung thư di căn từ cơ quan khác tới gan.
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, cũng có nhiều trường hợp người bệnh bị suy gan cấp mà không rõ nguyên do.
Xem thêm: Người bị men gan cao - Nên ăn gì, kiêng gì để hạ men gan?
4. Suy gan cấp có thể gây ra những biến chứng gì?
Có nhiều cách để gọi tên hiện tượng suy gan cấp, ví dụ như viêm gan kịch phát, suy gan kịch phát, hoại tử gan cấp hay hoại tử gan kịch phát. Chỉ dựa trên tên gọi cũng đủ cho thấy mức độ nguy hiểm của suy gan cấp nghiêm trọng như thế nào, bởi nếu không được xử trí kịp thời, bệnh thường có tiên lượng rất xấu. Suy gan cấp để lại nhiều biến chứng nặng nề như bệnh não gan, rối loạn chuyển hóa, biến chứng phổi, suy thận, phù não và co giật,...:
-
Phù não: Do mất cân bằng điện giải và dịch thể dẫn đến tình trạng phù não làm gia tăng áp lực lên hộp sọ.
-
Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng máu và hệ hô hấp.
-
Xuất huyết và biến chứng của xuất huyết: chức năng gan suy giảm dẫn đến rối loạn quá trình sản xuất các yếu tố đông máu, từ đó làm rối loạn đông máu khiến hệ tiêu hóa dễ bị xuất huyết. Thông thường rất khó để kiểm soát biến chứng này.
-
Suy thận: biến chứng suy thận xuất hiện ở 55% trong số các trường hợp suy gan cấp tính khi được chuyển tới chuyên khoa điều trị, thường bộc phát sau suy gan (hay còn được biết đến với tên gọi hội chứng gan thận). Cũng có khi suy thận đồng thời xảy ra với suy gan do các tác nhân khác ảnh hưởng tới 2 cơ quan này (ví dụ như uống quá liều paracetamol).
-
Rối loạn chuyển hóa: hạ kali máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm phosphat máu, hạ đường huyết (do cholesterol trong máu tăng và glycogen ở gan bị giảm).
5. Suy gan cấp - Khi nào nên đi khám Bác sĩ?
Suy gan cấp tính có thể phát triển nhanh chóng ở một người khỏe mạnh và đe dọa đến tính mạng. Vì thế hãy đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức nếu bạn hoặc người thân đột nhiên bị:
-
Vàng mắt hoặc vàng da;
-
Đau ở vùng bụng trên;
-
Bất kỳ thay đổi khác thường nào về trạng thái tinh thần, tính cách hoặc hành vi.
6. Làm thế nào để phòng ngừa suy gan cấp?
Để giảm nguy cơ suy gan cấp tính, bạn nên chú ý chăm sóc gan của mình bằng cách:
-
Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc: Nếu bạn dùng acetaminophen hoặc các loại thuốc khác, hãy kiểm tra thông tin hướng dẫn để biết liều lượng khuyến cáo và không dùng quá mức cho phép. Người mắc bệnh gan cần hỏi bác sĩ về liều lượng acetaminophen an toàn trước khi uống thuốc. Bên cạnh đó, nên trình bày với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, ngay cả những loại thảo dược hoặc thuốc không kê đơn.
-
Không lạm dụng bia rượu :Phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi không uống quá 1 ly rượu/ngày. Đối với nam giới trẻ tuổi thì không nên tiêu thụ nhiều hơn 2 ly/ngày.
-
Tránh các nguy cơ rủi ro : Không dùng chung bơm kim tiêm, hạn chế hút thuốc và nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Nếu muốn xăm mình hoặc bấm lỗ trên cơ thể, cần lựa chọn trung tâm đảm bảo vệ sinh và an toàn.
-
Tiêm phòng: Những người bị bệnh gan mãn tính, có tiền sử nhiễm viêm gan hoặc tăng nguy cơ viêm gan nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vắc-xin viêm gan B hoặc viêm gan A.
-
Tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người khác: Việc vô tình để kim tiêm nhiễm bẩn đâm vào người hoặc quá trình làm sạch máu và chất dịch cơ thể của người khác không đúng cách có thể làm lây lan virus viêm gan. Tương tự, việc dùng chung dao cạo hoặc bàn chải đánh răng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
-
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực hiện “ăn chín uống sôi”, không ăn các loại nấm dại vì khó phân biệt được nấm độc với nấm an toàn.
-
Cẩn trọng với hóa chất: Khi sử dụng dung dịch tẩy rửa dạng bình xịt, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, sơn và các hóa chất độc hại khác, ... cần bảo vệ bản thân bằng cách mở cửa cho căn phòng được thông thoáng, đồng thời kết hợp đeo khẩu trang, găng tay, mặc áo dài tay, đội mũ và thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm một cách cẩn thận.
-
Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì có thể khiến gan nhiễm mỡ (không do rượu), cũng như viêm gan và xơ gan.
Tóm lại, các nguyên nhân suy gan cấp tính thường khác nhau, bao gồm quá liều Acetaminophen (Tylenol), các loại virus, nấm độc, và một số thảo dược. Tình trạng suy gan tối cấp thường hiếm gặp với các triệu chứng ban đầu khó phát hiện. Do đó, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc khẩn cấp khi thấy các dấu hiệu vàng da, dễ chảy máu, bụng sưng to, choáng váng, buồn ngủ bất thường hoặc thậm chí là hôn mê.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!