Cách đối phó với chấn thương khi tập luyện
Báo Sức Khỏe Đời Sống - Chấn thương khi tập luyện có thể xảy ra với bất kỳ ai. Khi gặp chấn thương trong quá trình tập luyện thể thao, việc sơ cấp cứu đúng cách là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng và tăng cơ hội phục hồi nhanh chóng.
1. Chấn thương cơ bắp và dây chằng
Với những chấn thương phần mềm (cơ bắp và dây chằng) cần thực hiện theo phương pháp R.I.C.E (nghỉ, chườm đá, băng ép/ cố định, nâng cao chi thể).
- Rest (nghỉ): Ngừng hoạt động và nghỉ ngơi (tránh tất cả các động tác gây đau). Khi gặp các chấn thương thể thao người tập nên nghỉ ngơi để mô, cơ có thời gian phục hồi. Hạn chế vận động nhiều và thực hiện các thao tác nặng, liên tục khiến các chấn thương trở nên trầm trọng hơn.
- Ice (chườm đá/chườm lạnh): là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để sơ cứu khi gặp các chấn thương. Đây là cách điều trị rất hiệu quả để giảm đau với những chấn thương ở mức độ nhẹ.
Áp túi nước mát hoặc túi đá đã được bọc khăn khô (nhiệt độ chườm mát lý tưởng là từ 9 đến 12 độ C) lên vùng bị thương (nếu chấn thương vùng cổ chân- bàn chân thì ngâm vào nước mát) trong khoảng 15-30 phút mỗi 2 giờ, trong 48 đến 72 giờ đầu.
Chườm lạnh sẽ giúp hạn chế lưu lượng máu di chuyển đến vùng bị đau, giúp giảm đau và tránh khả năng bị viêm. Ngoài việc sử dụng nước đá để chườm, có thể kết hợp sử dụng buồng tắm lạnh hoặc kỹ thuật massage bằng nước đá. Nên chườm lạnh 3 lần trong một ngày, mỗi lần kéo dài 10 phút.
Chườm lạnh là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để sơ cứu khi gặp các chấn thương.
- Compression (băng ép): Dùng băng (tốt nhất là băng thun co giãn) để giảm sưng. Đây là phương pháp làm giảm lượng máu đến vết thương. Việc này giúp cố định vết thương, hạn chế tác động lên vết thương khiến vết thương nhanh lành, sớm phục hồi hơn. Băng ép là phương pháp hiệu quả khi gặp các chấn thương nhẹ
- Elevation (nâng cao chi thể): Nâng chân hoặc tay bị thương lên cao (tốt nhất là trên tầm tim từ 10 đến 15 cm) để giảm sưng và đau. Điều này sẽ làm giảm lưu lượng máu đến chỗ bị đau và bớt gây tình trạng sưng hoặc viêm. Thực tế phương pháp này đúng cho tất cả các bộ phận khác trên người. Nếu có thể, hãy cố gắng kê vùng bị thương lên cao quá tim trong khoảng 10 phút, từ 3 đến 5 lần một ngày.
Xem thêm: 5 lý do không nên tập luyện quá sức để tránh chấn thương thể thao
2. Chấn thương đầu hoặc não
Đây là những chấn thương thường gặp trong các môn thể thao như bóng đá, quyền anh, hoặc trượt ván.
- Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não, người bị thương nên được giữ yên và gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Không cho ăn uống gì.
- Theo dõi các triệu chứng như mất trí nhớ, mơ màng, nôn mửa, đau đầu nặng, và báo cáo cho bác sĩ.
3. Chấn thương khớp (như trật khớp)
Chấn thương khớp là tình trạng khớp bị xê dịch, không giống ở trạng thái bình thường. Cách xử lý:
- Không cố gắng chỉnh lại khớp.
- Giữ khớp ở tư thế hiện tại và bó chặt, không di động khớp
- Băng ép, cố định, chườm mát lên khớp để giảm sưng và đau.
Khi bị chấn thương khớp không nên cố gắng chỉnh lại khớp.
4. Gãy xương
Chấn thương này thường do tác động của lực mạnh gây gãy xương cấp tính hoặc lực tác động liên tục dần dần gây gãy xương, thường gặp khi tham gia các môn thể thao đối kháng trực tiếp, hoạt động thể lực với cường độ cao hoặc môn thể thao mạo hiểm.
Xử trí bằng cách:
-
Giữ xương ở tư duy hiện tại và không cố gắng chỉnh lại.
-
Dùng băng áp lực hoặc nẹp để giữ xương cố định.
-
Gọi cấp cứu hoặc đưa người bị thương đến bệnh viện ngay lập tức.
5. Chấn thương sưng, bầm và thâm tím
Bầm tím, sưng sau khi tập luyện thường do va chạm hoặc tự rơi, ngã lúc tập luyện, tập luyện cường độ cao...
Có thể xử trí bằng cách:
- Áp dụng chườm mát lên vùng bị thương trong khoảng 15-30 phút mỗi 2 giờ trong 48 đến 72 giờ đầu.
- Nâng vị trí bị thương lên cao khi nghỉ ngơi.
6. Mất nước và sốc nhiệt
Mất nước và sốc nhiệt thường gặp ở những người tập luyện ngoài trời nắng nóng.
Có thể xử trí bằng cách:
- Di chuyển người bị thương ra khỏi khu vực nắng vào nơi mát mẻ.
- Làm mát cơ thể bằng cách dội nước mát lên người. Nếu nghi ngờ sốc nhiệt thì tốt nhất là ngâm vào bồn nước mát, chỉ hở vùng đầu – mặt.
- Cho uống nước mát hoặc nước điện giải từ từ.
- Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như mơ màng, mất ý thức, gọi cấp cứu ngay.
Xem thêm: Làm thế nào để tránh mất nước khi tập luyện thể thao?
7. Dùng thuốc chống viêm, giảm đau
Có thể dùng một số thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen hay diclofenac… Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ngay sau khi vừa bị chấn thương để làm giảm nguy cơ vết thương bị viêm, tránh dùng lâu dài để điều trị vì các loại thuốc này có thể gây tổn thương thận và suy thoái sụn, khớp. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc này.
Xem thêm: Tác hại nghiêm trọng khi sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau
Lưu ý, trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng hoặc không rõ mức độ của chấn thương, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bị thương đến bệnh viện ngay lập tức, để có những chẩn đoán, tư vấn điều trị một cách phù hợp nhất hạn chế những biến chứng không đáng có.
Hầu hết các chấn thương khi tập luyện sẽ tự lành sau khoảng 4 tuần. Nếu vết thương không được cải thiện trong vòng một tuần hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, cần đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế uy tín.
Theo báo www.suckhoedoisong.vn
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cach-doi-pho-voi-chan-thuong-khi-tap-luyen-169230905123938279.htm)
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT/ Zalo: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!