NGUYÊN NHÂN nào dẫn đến bệnh lý SUY HÔ HẤP?
Suy hô hấp (hội chứng suy phổi) nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây ra các tổn thương ở não, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Vậy những NGUYÊN NHÂN nào dẫn đến bệnh lý SUY HÔ HẤP? Triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin dưới đây.
1. Khi nào được gọi là suy hô hấp?
Hội chứng suy hô hấp được miêu tả là tình trạng giảm cấp tính chức năng thông khí của bộ máy hô hấp hoặc/và chức năng trao đổi khí ở phổi, việc thở khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ thể. Suy hô hấp là tình trạng phổi của bạn gặp khó khăn trong việc trao đổi oxy và carbon dioxide với máu. Nó có thể khiến cho bạn bị thiếu oxy và/hoặc carbon dioxide cao. Tình trạng này càng kéo dài càng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
2. NGUYÊN NHÂN nào dẫn đến bệnh lý SUY HÔ HẤP?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tổn thương phổi trong hội chứng suy hô hấp, được chia thành 2 nhóm chính là nguyên nhân tại phổi và nguyên nhân ngoài phổi.
2.1. Nguyên nhân tại phổi
Hội chứng suy hô hấp nghiêm trọng thường do vấn đề tại phổi khiến chức năng hô hấp bị ảnh hưởng, bao gồm:
-
Viêm phổi nặng: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, hội chứng suy hô hấp tiến triển từ bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn (liên cầu, phế cầu Haemophilus Influenzae) hoặc viêm phổi do virus (SARS, cúm A H5N1,…)
-
Ngạt nước: dẫn đến tổn thương màng surfactant và giảm hô hấp ở phổi.
-
Tiêm, hít heroin hoặc sử dụng dạng ma túy khác.
-
Trào ngược dịch dạ dày ở bệnh nhân say rượu, hôn mê, dịch dạ dày chứa lượng acid lớn trào lên phổi dễ gây tổn thương diện rộng cùng với xẹp phổi.
-
Đụng dập phổi, chấn thương lồng ngực nặng.
-
Phù phổi do tái tưới máu sau ghép phổi, lấy huyết khối mạch phổi.
2.2. Nguyên nhân ngoài phổi
Việc hít thở có vẻ như là một hành động đơn giản, nhưng lại có rất nhiều bộ phận cùng chuyển động để thu được hành động đó. Khi một trong các bộ phận đó gặp vấn đề thì đều có thể dẫn đến suy hô hấp, bao gồm:
-
Các chấn thương ở lồng ngực gây gãy xương sườn, tổn thương màng phổi và phổi.
-
Sử dụng một loại thuốc hoặc uống rượu quá liều có thể gây hại cho não, từ đó ảnh hưởng đến việc hít thở.
-
Tổn thương phổi do hít phải khói hoặc bụi.
-
Các bệnh lý ở phổi như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ nang, viêm phổi,...
-
Tổn thương cơ và thần kinh từ các tình trạng bệnh lý khác như bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), chấn thương tủy sống và đột quỵ.
-
Vẹo cột sống hoặc các vấn đề về cột sống khác có thể gây ảnh hưởng tới xương và cơ liên quan đến hô hấp.
-
Tổn thương hệ thần kinh như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não làm tổn thương đến hoạt động của hệ hô hấp.
-
Giảm lưu lượng máu đến phổi, có thể do cục máu đông.
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy hô hấp là rất đa dạng, cung cấp thông tin triệu chứng bệnh hoặc tình trạng sức khỏe trước đó giúp bác sĩ phán định nguyên nhân dễ dàng hơn.
3. Triệu chứng nhận biết bệnh lý suy hô hấp như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ thiếu oxy máu, mức độ carbon dioxide cao hay cả hai. Một số triệu chứng mà người bệnh có thể nhận thấy như là:
-
Da, môi và móng tay có màu hơi xanh.
-
Cảm thấy rằng mình không thể có đủ không khí.
-
Cảm thấy sự hoang mang.
-
Nhịp tim giảm.
-
Thở nhanh hoặc thở cực chậm.
-
Khó thở, gắng sức để thở.
-
Buồn ngủ hoặc có thể bị bất tỉnh.
4. Điều trị suy hô hấp như thế nào?
Khi xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp hoặc tổn thương nguy cơ gây suy hô hấp, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nguyên tắc cấp cứu và điều trị bệnh là xác nhận nguyên nhân, thông khí cơ học cùng với chế độ bảo vệ phổi, cân bằng dịch, ngăn ngừa biến chứng.
Tùy theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân cụ thể mà phương pháp điều trị có thể là một hoặc nhiều biện pháp cùng một lúc. Các biện pháp điều trị suy hô hấp gồm có:
-
Liệu pháp oxy: Bệnh nhân được cung cấp oxy thông qua một cái mặt nạ hoặc một ống với hai nhánh được đặt ngay hai bên mũi. Bệnh nhân có thể có một bình oxy di động để có thể đi ra ngoài cùng với nó.
-
Máy thở: Bệnh nhân có thể cần sử dụng đến máy thở nếu liệu pháp oxy không cung cấp đủ oxy hoặc bệnh nhân không thể tự thở được. Chiếc máy thở sẽ giúp đẩy không khí vào phổi của bệnh nhân, để họ có được lượng oxy cần thiết mà không cần phải làm việc hít thở như bình thường. Chiếc máy cũng giúp làm giảm lượng carbon dioxide.
-
Một số bệnh nhân có thể được đeo mặt nạ qua mũi hoặc miệng cùng với một cái máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure - máy áp lực dương liên tục) được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ.
-
Mở khí quản: đây là một phẫu thuật, trong đó bác sĩ sẽ mở một đường vào ở cổ và khí quản để đặt một ống thông nhỏ, giúp cho việc thở dễ dàng hơn. Ống thông này có thể được kết nối trực tiếp với máy thở nếu như bệnh nhân cần đến máy thở trong hơn một hoặc hai tuần.
-
Điều trị nguyên nhân: Khi đã xác định được nguyên nhân gây suy hô hấp, cần phải kết hợp điều trị cả tình trạng suy hô hấp và nguyên nhân gây ra nó. Tùy theo từng nguyên nhân mà sẽ có biện pháp điều trị thích hợp, như: sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, sử dụng thuốc làm tan cục máu đông, sử dụng thuốc giãn đường thở. Ống dẫn lưu lồng ngực để dẫn lưu máu hoặc không khí trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương gây tràn khí/ tràn dịch màng phổi.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng suy hô hấp là cấp tính hay mạn tính. Các trường hợp khác nhau không thể điều trị theo cùng một cách được.
Điều trị suy hô hấp cấp tính như sau:
-
Đây là trường hợp bệnh nhân cần được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu vấn đề được giải quyết, bệnh nhân có thể được ra viện sớm.
-
Với các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.
-
Bệnh nhân có thể được điều trị bằng oxy, có thể cần tới một máy thở cho đến khi có thể tự thở được.
-
Cùng với đó, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc và dịch để giảm bớt các triệu chứng và nguyên nhân gây ra suy hô hấp.
Điều trị suy hô hấp mạn tính như sau:
-
Bệnh nhân có thể được chăm sóc liên tục tại nhà.
-
Phương pháp điều trị thường là sử dụng các loại thuốc mỗi ngày.
-
Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể cần đến điều trị bằng oxy.
Tình trạng suy hô hấp có thể khiến cho bệnh nhân khó ngủ, do đó họ có thể cần thêm sự trợ giúp vào ban đêm. Có nghĩa bạn có thể cần thêm một trong những máy thở nhỏ hơn như máy CPAP, nếu nghiêm trọng hơn sẽ cần dùng đến máy thở vào ban đêm.
Tình trạng suy hô hấp cấp tính nếu được điều trị ngay lập tức có thể giúp bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường. Tình trạng suy hô hấp mạn tính bệnh nhân cần phải làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc chăm sóc liên tục. Mọi người cần biết các triệu chứng của mình và biết khi nào cần phải gặp bác sĩ.
Suy hô hấp có thể chia thành nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất hiện nay là cách phân chia suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính. Tùy thuộc vào loại suy hô hấp, nguyên nhân và mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và có tiên lương bệnh khác nhau.
Suy hô hấp là một bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra, bệnh nhân cần được điều trị ở những bệnh viện có uy tín cao và có chất lượng chuyên môn cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!