Bài viết chuyên môn

Thoái hóa khớp gối - Điều trị và chăm sóc thế nào?

Khớp gối có vị trí nằm ở đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày, mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Thoái hóa khớp gối là căn bệnh phức tạp nhưng lại diễn tiến âm thầm nên rất khó phát hiện. Đến khi bệnh trở nặng thì lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Vậy thoái hóa khớp gối là gì? Điều trị và chăm sóc như thế nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Thoái hóa khớp gối là gì?

Khớp gối có vị trí nằm ở đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày, mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Khi vận động, khớp được trượt trên bề mặt của các sụn. Đây là khớp rất quan trọng, chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác. Chính vì vậy khi hoạt động quá nhiều, khớp gối rất dễ bị thoái hóa

Xem thêm: Rách sụn chêm khớp gối - Điều trị và chăm sóc thế nào?

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trên bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi, không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp và làm hư khớp.

2. Những nguyên nhân nào dẫn đến thoái hóa khớp gối?

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối được chia ra làm 2 loại là thoái hóa khớp gối nguyên phát và thoái hóa khớp gối thứ phát.

Thoái hóa khớp gối nguyên phát

Đây là loại nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp gối gồm:

Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn ngày càng bị suy giảm. Hơn nữa, sau độ tuổi trưởng thành, tế bào sụn cũng không còn khả năng sinh sản và tự tái tạo.

Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị thoái hóa khớp gối thì khả năng cao là bạn cũng sẽ bị bệnh này.

Nội tiết – Sự chuyển hóa cơ thể: Mãn kinh hay đái tháo đường đều có thể gây nên các bệnh lý về xương khớp, cụ thể là thoái hóa khớp gối.

Thoái hóa khớp gối thứ phát

Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp hơn nam giới. Do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, thêm nữa là thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo cơ hội thoái hóa tiến triển nhanh.

Thừa cân: Trọng lượng dư thừa tạo áp lực lên hai khớp gối khiến sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian. Theo khảo sát, phụ nữ béo phì trên tuổi 40 có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường. Với những người béo phì, chỉ cần giảm 5kg thì sẽ giảm nguy cơ thoái hóa khớp và viêm khớp đến một nửa.

Chấn thương: Những tổn thương khi chơi thể thao hoặc lao động có thể làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng… khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa từ từ.

Bệnh lý khác: Béo phì, gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bàn chân bẹt,… đều là những bệnh có ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn.

Hệ miễn dịch phá hủy: Sụn khớp vốn không được nuôi dưỡng bởi mạch máu mà là bởi dịch khớp, do đó nó không được nhận biết là một phần của cơ thể. Thay vì bảo vệ, cơ thể tự sinh ra cơ chế hủy hoại sụn khớp khắp nơi, bất kể đó là sụn hư hay khỏe mạnh.

Không rèn luyện thể lực: Nếu không thường xuyên tập thể dục thì dẫn đến tình trạng các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ phát triển thoái hóa khớp gối.

Vận động quá sức: Lao động nặng hoặc tập luyện, chơi thể thao ở cường độ cao dẫn đến khớp thoái hóa nhanh hơn.

Ăn uống thiếu khoa học: Việc ăn uống thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều cũng khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.

Xem thêm: Mách bạn những thực phẩm giúp hỗ trợ tăng dịch và tái tạo sụn khớp

3. Triệu chứng của thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đặc trưng bằng các triệu chứng và dấu hiệu khác nhau 

Giai đoạn 1

Sụn khớp gối bị thoái hóa giai đoạn 1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là không đáng kể.

Giai đoạn 2

Đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh. Lúc này, chụp X-quang khớp gối sẽ thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và các xương không bị cọ xát với nhau. Đồng thời, chất lỏng hoạt dịch được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.

Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng đầu tiên: đau sau một ngày dài đi bộ hoặc chạy, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ hoặc đau khi quỳ/cúi.

Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 của thoái hóa khớp được phân loại là “thoái hóa khớp mức độ trung bình”. Trong giai đoạn này, sụn giữa các xương có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, và không gian giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại. Những người bị thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn 3 có khả năng bị đau thường xuyên khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ. Họ cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc thức dậy vào buổi sáng. Trong khi đó, hiện tượng sưng khớp sẽ xuất hiện nếu người bệnh cử động liên tục trong thời gian dài.

Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 thoái hóa khớp được coi là “nghiêm trọng”. Khi bệnh đã tiến triển đến thời kỳ này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi đi bộ hoặc cử động khớp. Đó là do không gian giữa các xương bị giảm đáng kể – sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khiến khớp bị cứng và đôi lúc trở nên bất động. Lượng chất lỏng hoạt dịch cũng ít đi và không còn đảm nhận được nhiệm vụ giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp.

4. Biến chứng của thoái hóa khớp gối.

Tình trạng khớp bị thoái hóa sẽ nặng dần theo thời gian, dẫn đến đau khớp mạn tính cùng một loạt biến chứng như:

  • Tăng nguy cơ chấn thương đầu gối: Những bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hóa khớp thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa, cơn đau dữ dội, khả năng vận động và giữ thăng bằng bị suy giảm có thể làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Thống kê cho thấy những người bị thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã cao hơn 30%. Hơn nữa, họ có khả năng bị gãy xương cao hơn 20%.

  • Mất xương: Trong trường hợp thoái hóa khớp nặng, sụn mất dần và nhanh chóng sẽ dẫn đến mất xương. Chết tế bào xương là một biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các phần xương bị ảnh hưởng.

  • Mất ổn định khớp: do đứt gân và đứt dây chằng xung quanh khớp ảnh hưởng.

  • Dây thần kinh quanh xương/sụn bị chèn ép, khiến cơn đau thêm trầm trọng và gây ngứa ran, tê hoặc yếu.

  • Kéo theo một số bệnh lý khác: Thoái hóa khớp gối có thể đẩy người bệnh đến lối sống ít vận động, lâu dần làm họ tăng cân cũng như tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.

  • Hình thành u nang sau đầu gối: Những u nang này, thường được gọi là u nang Baker, gây áp lực lên các mạch máu và làm suy giảm lưu lượng máu bình thường, dẫn đến sưng và đau ở chân.

  • Tăng nguy cơ bị gout: Bệnh nhân thoái hóa khớp có nồng độ axit uric trong máu cao sẽ dễ bị bệnh gout – một dạng khác của viêm khớp.

5. Thoái hóa khớp gối - Điều trị và chăm sóc thế nào?

Mục tiêu chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Quá trình điều trị là sự kết hợp của những liệu pháp sau:

Giảm cân

Giảm cân đồng nghĩa với giảm tải trọng cho khớp gối. Việc làm này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau đầu gối do viêm xương khớp.

Tập thể dục đều đặn

Việc thường xuyên thực hiện các bài tập thoái hóa khớp gối có thể hỗ trợ tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh đầu gối, đồng thời giúp khớp ổn định hơn và giảm đau.

Sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm

Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen natri… chỉ nên dùng trong tối đa 10 ngày. Sử dụng chúng lâu hơn sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Nếu sau 10 ngày mà thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc chống viêm theo toa.

Các liệu pháp thay thế

Một số liệu pháp thay thế có thể hiệu quả đối với tình trạng thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn nhẹ hoặc trung bình. Các liệu pháp này bao gồm kem bôi có capsaicin, châm cứu hoặc chất bổ sung (glucosamine, chondroitin…).

Vật lý trị liệu

Nếu tình trạng thoái hóa khớp khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu sẽ rất hữu ích. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Ngoài ra, họ cũng chỉ bạn cách thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như làm việc nhà, sao cho ít gây đau khớp nhất.

Phẫu thuật

Khi mọi phương pháp điều trị trên đều không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bạn phẫu thuật. Những phương pháp phẫu thuật phổ biến để điều trị thoái hóa khớp đầu gối là:

  • Nội soi khớp: Bác sĩ rạch một vết mổ nhỏ, sau đó sử dụng máy nội soi khớp và các dụng cụ nhỏ để loại bỏ sụn bị hư hỏng, sửa chữa dây chằng lỏng lẻo, làm sạch bề mặt xương. Phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân dưới 55 tuổi.

  • Phẫu thuật cắt xương: Đây là thủ thuật nhằm mục đích thay đổi hình dạng của xương, từ đó làm cho khớp gối có sự liên kết chặt chẽ hơn. Nhược điểm của nó là không điều trị được thoái hóa sụn khớp gối triệt để. Người bệnh có thể phải thực hiện các cuộc phẫu thuật khác sau này.

  • Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp: Đây là thủ thuật trong đó khớp được thay thế bằng các bộ phận nhân tạo làm từ kim loại hoặc nhựa. Tùy mức độ thương tổn, bác sĩ sẽ chỉ định thay một hoặc cả hai bên đầu gối. Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng. Hầu hết các khớp nối mới sẽ có tuổi thọ trên 20 năm. 

Cách chăm sóc người bệnh thoái hóa khớp ở vùng gối

Một chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp người bệnh thoái hóa khớp gối cải thiện triệu chứng đau, sưng vùng gối. Nếu bạn có người thân bị chứng bệnh này, hãy chăm sóc họ bằng cách:

  • Chườm đá: giúp giảm đau, giảm sưng tấy cho vùng gối.

  • Tạo điều kiện cho người bệnh nghỉ ngơi, đặc biệt là sau khi tập thể dục hoặc đi bộ đường dài. Nếu cần, hãy hỗ trợ họ trong việc đi lại hoặc hướng dẫn họ sử dụng nạng, khung tập đi…

  • Loại trừ các nguy cơ té ngã: Những người bị thoái hóa khớp có nguy cơ té ngã cao hơn. Vì thế, bạn hãy lắp thêm bệ ngồi bồn cầu, tay vịn hành lang… trong nhà, loại bỏ các chướng ngại vật trên lối đi để giảm thiểu tối đa nguy cơ này. 

  • Kiểm soát cơn đau không dùng thuốc: Mỗi khi người bệnh bị cơn đau nhức hành hạ, bạn hãy đánh lạc hướng bằng cách mở nhạc, tivi hoặc đơn giản là trò chuyện với họ. Đôi lúc, liều thuốc tinh thần này có tác dụng không kém những viên thuốc giảm đau, lại không gây hại cho sức khỏe người bệnh.

  • Bổ sung thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng tốt cho phần sụn khớp gối bị thoái hóa như: trái cây, rau xanh, các loại cá béo,…

Điều trị và chăm sóc Thoái hóa khớp gối thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin trong video dưới đây cùng Bác sĩ Thể thao Nguyễn Trọng Thủy.



6. Cách phòng tránh khớp bị thoái hóa

Một số biện pháp phòng tránh thoái hóa khớp bạn có thể thực hiện là:

  • Duy trì cân nặng hợp lý (BMI < 23): Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối, góp phần làm mòn sụn.

  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Lượng glucose cao có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn, tăng nguy cơ viêm và mất sụn.

  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động với cường độ vừa phải (30 phút/ngày, 5 ngày/tuần) sẽ giúp các khớp dẻo dai, tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính.

  • Giảm nguy cơ chấn thương: bằng cách không mang vác vật nặng, chơi thể thao đúng kỹ thuật, mang giày vừa vặn và sử dụng đồ bảo hộ trong lúc tập luyện.

  • Tránh hoạt động quá sức: Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi. Cố gắng làm việc hoặc vận động quá sức chỉ khiến xương khớp thêm áp lực và dễ bị thương tổn.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm khớp.

Xem thêm: Gợi ý 8 loại THỰC PHẨM tốt cho hệ XƯƠNG KHỚP của bạn

❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
  SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
  SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.

❣️ Thân ái!!!

Bài viết liên quan
  • RAU CÀNG CUA - Món ngon bổ dưỡng với nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe
    RAU CÀNG CUA - Món ngon bổ dưỡng với nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe

    Bạn có biết, rau càng cua không chỉ là một loại rau được chế biến thành các món ăn đầy dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, mà còn là một loại dược liệu được dùng trong điều trị bệnh. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về loài rau kỳ diệu này nhé.

    Đọc thêm
  • Vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên?
    Vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên?

    Bắp cải là một loại rau quen thuộc đối với người Việt Nam. Bắp cải được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày vì chúng ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên nhé.

    Đọc thêm
  • Đừng chỉ ăn QUẢ vì LÁ ỚT cũng có rất nhiều công dụng
    Đừng chỉ ăn QUẢ vì LÁ ỚT cũng có rất nhiều công dụng

    Bạn có biết, không chỉ quả ớt ăn được mà tất cả các bộ phận của cây ớt từ rễ, thân, gốc, lá đều có những tác dụng tốt đối với sức khỏe. Đặc biệt, lá ớt còn có thể sử dụng để luộc, xào, nấu canh trong bữa ăn hằng ngày. Vậy Lá ớt có những công dụng gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết này nhé.

    Đọc thêm
  • 5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý
    5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý

    Tiết canh lợn là món ăn ngon bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Tiết lợn nếu ăn đúng cách và vừa đủ sẽ mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được món này. Sau đây là 5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý.

    Đọc thêm
  •  Tác dụng của CÂY MÃ ĐỀ đối với sức khỏe
    Tác dụng của CÂY MÃ ĐỀ đối với sức khỏe

    Từ lâu, mọi người đã sử dụng cây mã đề như một vị thuốc dân gian để chữa một số bệnh nhỏ thông thường. Vậy loài cây nhỏ nhỏ mọc dại này có tác dụng gì đối với sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin nhé!

    Đọc thêm
  • Làm thế nào để đối phó với căng cơ khi tập luyện?
    Làm thế nào để đối phó với căng cơ khi tập luyện?

    Báo Sức Khỏe Đời Sống - Căng cơ là những chấn thương phổ biến có thể xảy ra khi tập luyện thể thao. Căng cơ khiến người tập đau nhức, khó vận động và giảm hiệu suất tập luyện. Vậy đâu là cách đối phó?

    Đọc thêm