CỨNG KHỚP GỐI - Điều trị và chăm sóc như thế nào?
Khớp gối là bộ phận quan trọng của cơ thể đóng vai trò lớn trong chức năng vận động di chuyển và chịu lực của cơ thể. Cứng khớp gối làm hạn chế khả năng vận động, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cứng khớp gối? Điều trị và chăm sóc như thế nào?
1. Cứng khớp gối là gì?
Cứng khớp gối xảy ra phổ biến, xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt người lớn tuổi hay người hoạt động thể chất quá mức. Cứng khớp khiến người bệnh khó cử động các khớp gối, giảm độ linh hoạt của khớp cũng như mất tầm vận động, mất cân bằng cơ, gân và mô mềm xung quanh khớp gối đặc biệt là vùng bắp chân và đùi, thậm chí gây cản trở những hoạt động thường ngày có sử dụng đến sự co duỗi gối.
Khớp gối là bộ phận kết nối đầu dưới xương đùi và đầu trên xương cẳng chân. Đây là phần khớp lớn nhất, cấu tạo phức tạp, gồm xương, sụn, cơ, gân và dây chằng giúp ổn định được độ vững và đảm bảo tốt chức năng đi lại, sinh hoạt hằng ngày của cơ thể. Khớp gối có chức năng thực hiện các chuyển động xoay gối, gập, duỗi thẳng chân. Do vậy, hầu hết các hình thức vận động hằng ngày và các bài tập thể thao như đi bộ, chạy, đạp xe bơi lội,… đều có sự tham gia của khớp gối.
Đầu gối khỏe mạnh phải đáp ứng được tính linh hoạt, có thể duỗi thẳng chân ở tư thế 0 độ, gấp gối tối đa khoảng 150 độ, đồng thời, có thể đảm bảo được động tác xoay ngoài và xoay trong linh hoạt.
Ban đầu, cứng khớp đầu gối sẽ gây khó chịu cho người bệnh, đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể do khó khăn khi di chuyển. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như dính khớp, giảm/mất khả năng vận động, teo cơ, thiểu dưỡng mô mềm chi dưới hoặc thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.
Xem thêm: Glucosamine - Hỗ trợ sức khỏe của các khớp
2. Dấu hiệu thường gặp của cứng khớp gối là gì?
Triệu chứng lâm sàng chung của cứng khớp gối là tình trạng giảm tầm vận động khớp. Điển hình là những cơn đau đầu gối xảy ra vào buổi sáng khi người bệnh mới dậy, hoặc sau khi ở một tư thế bất động kéo dài. Triệu chứng này thường kéo dài từ 15 – 20 phút, người bệnh cần cử động nhẹ nhàng, kết hợp xoa duỗi khớp gối một lúc mới có thể cử động lại bình thường.
Trường hợp tình trạng vận động khớp khó khăn kéo dài từ 1 giờ đến vài ngày vẫn không suy giảm, hoặc suy giảm rất ít, nghĩa là tình trạng khớp gối bị khô cứng đang diễn tiến rất nghiêm trọng. Người bệnh cần lập tức đến khám và điều trị với bác sĩ.
Một số trường hợp nặng hơn, tình trạng cứng khớp gây ra những cơn đau mạn tính, người bệnh không thể duỗi thẳng được hết tầm, hoặc chỉ gấp gối dưới 90 độ và triệu chứng này hiện diện trong tất cả sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài ra, cứng khớp gối cũng sẽ gây ra một số triệu chứng khác, xảy ra đồng thời với các triệu chứng tại khớp gối như:
-
Sưng tấy đỏ và nóng tại khớp gối
-
Suy nhược cơ, co thắt cơ, co rút gân và mô mềm vùng gối
-
Chảy máu hoặc bầm tím tại khớp gối
-
Suy nhược cơ thể, đôi khi sốt nhẹ, chán ăn biểu hiện của một hội chứng viêm hệ thống
3. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cứng khớp gối?
3.1. Cứng khớp gối sau chấn thương
Cứng khớp gối sau chấn thương đầu gối là một trong những nguyên nhân thường gặp. Nguyên nhân là do chấn thương dây chằng, chấn thương sụn chêm, sụn khớp hoặc gãy xương quanh khớp gối… Tất cả những tổn thương bên trong khớp gối đều tạo áp lực lớn và gây tổn thương các mặt sụn. Chính sự tổn thương các mặt sụn sẽ khiến khớp gối bị giảm biên độ chuyển động, kèm theo các cơn đau, sưng tấy tại vị trí tổn thương.
3.2. Cứng khớp gối sau bất động khớp (bó bột, nẹp đầu gối…)
Bất động khớp là một trong những biện pháp điều trị trong các trường hợp chấn thương khớp gối,cố định chi sau phẫu thuật…. Thông thường, người bị chấn thương khớp gối tùy theo từng trường hợp sẽ cần khoảng 2 – 6 tuần để bó bột hoặc đeo nẹp ôm gối để chống phù nề, giảm sưng, viêm, tạo điều kiện cho các gân, cơ, mô mềm tái lại cấu trúc.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến khớp gối liên tục chịu áp lực, hình thành các mô xơ sẹo trong khớp gối gây ra hậu quả cứng khớp gối sau bó bột. Do vậy, bó bột hay nẹp gối là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
3.3. Cứng khớp do viêm khớp hệ thống
Phần lớn các bệnh viêm khớp hệ thống như viêm dính khớp, viêm khớp dạng thấp… đều có triệu chứng đau và cứng khớp gối kéo dài 45 – 60 phút. Triệu chứng cứng khớp nếu diễn ra hơn 1 giờ là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển nặng. Do đó, người bệnh cần được thăm khám sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng như thoái hóa khớp gối, bào mòn sụn hoặc lệch khớp.
4. Đối tượng nào dễ bị cứng khớp gối?
Triệu chứng cứng khớp đầu gối có thể xảy ra với mọi đối tượng, thuộc bất cứ độ tuổi nào. Cứng đầu gối là triệu chứng của các bệnh lý xương khớp, xảy ra khi các phần bên trong khớp gối bị tổn thương. Hoặc cũng có thể là một biến chứng nhỏ người bệnh có thể gặp sau khi bị điều trị chấn thương khớp gối.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm nữ giới thuộc lứa tuổi trung niên (sau 30 tuổi) thường dễ có nguy cơ gặp phải nhiều hơn người khác.
Những đối tượng có nguy cơ bị cứng khớp gối cao hơn người khỏe mạnh khác gồm:
-
Người đang điều trị chấn thương khớp gối
-
Người đang bó bột hoặc nẹp cố định gối
-
Người cao tuổi, đặc biệt là người đang trong giai đoạn lão hóa xương tự nhiên
-
Người có bệnh sử về chấn thương gối nặng hoặc phẫu thuật vùng khớp gối
-
Người làm những công việc lao động tay chân
-
Vận động viên thể thao
-
Người lạm dụng thuốc kháng sinh, tiêm steroid
-
Người thừa cân, béo phì
Xem thêm: Canxi LITHOTHAMNE - Hỗ trợ chắc khỏe xương, răng
5. Cứng khớp gối có nguy hiểm không? Có gặp biến chứng gì không?
Biến chứng của bệnh cứng khớp gối xảy ra nhiều ở những trường hợp bệnh để quá lâu mà không điều trị, đặc biệt là trường hợp bệnh có nguyên nhân do viêm khớp hệ thống.
Cứng khớp gối và bất cứ căn nguyên nào của bệnh cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn về chức năng và độ linh hoạt của khớp. Nguy cơ càng tăng cao khi người bệnh có những tiền sử chấn thương hay phẫu thuật về khớp gối, sức khỏe khớp không ổn định, khớp trong giai đoạn lão hóa…
Những biến chứng mà người bệnh cứng khớp đầu gối có thể gặp gồm:
-
Viêm hoặc xơ hóa khớp
-
Biến dạng khớp
-
Dính khớp
-
Giảm hoặc mất chức năng khớp
-
Tàn phế
-
Teo gân, cơ, mô mềm quanh vùng khớp gối
Người bệnh có thể chủ động phòng tránh các biến chứng này của cứng khớp gối bằng cách nắm rõ tình trạng bệnh, và mối liên hệ với sức khỏe tổng thể ngay lúc đó.
Đến bệnh viện khám với bác sĩ ngay khi những cơn đau phá rỉ khớp diễn ra trên 1 tiếng, hoặc kéo dài không thuyên giảm. Cuối cùng, điều trị theo đúng phác đồ để khớp gối được phục hồi chức năng hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng không mong muốn.
Xem thêm: Những THÓI QUEN ảnh hưởng XẤU đến XƯƠNG KHỚP của bạn
6. CỨNG KHỚP GỐI - Điều trị và chăm sóc như thế nào?
6.1. Cứng khớp gối điều trị như thế nào?
Mục đích của điều trị cứng khớp gối là điều trị theo căn nguyên. Việc điều trị theo triệu chứng ở các trường hợp cứng đầu gối không được khuyến khích. Đối với những người bệnh do viêm khớp dạng thấp, viêm dính khớp đều được ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau, chống viêm.
Trong trường hợp người bệnh cần phẫu thuật, do không đáp ứng các phương pháp điều trị khác và bệnh diễn tiến nặng hơn, phương pháp phẫu thuật thuật nội soi cắt lọc hoặc giải phóng khớp gối có thể được chỉ định, cuối cùng là thay khớp gối nhân tạo sẽ được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, việc tập Phục hồi chức năng cũng giúp cho người bệnh cải thiện được triệu chứng, lấy lại tầm vận động cũng như dự phòng teo cơ, co rút dây chằng, bao khớp xung quanh khớp gối.
Đối với những trường hợp mà triệu chứng cứng khớp gối diễn ra dưới 10 ngày, chức năng lao động chưa bị ảnh hưởng hoặc chưa gây cản trở quá lớn trong sinh hoạt hàng ngày, sẽ được điều trị bằng những phương pháp tại chỗ.
Những phương pháp điều trị tại chỗ gồm:
-
Chườm lạnh/ chườm nóng tại chỗ
-
Tập vật lý trị liệu
-
Tập thể dục những bài tập có động tác co duỗi khớp gối
-
Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày
-
Dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ phục hồi xương khớp. Lưu ý, người bệnh cần thông qua tham vấn với các bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ thực phẩm chức năng nào
6.2. Cứng khớp gối chăm sóc và phục hồi như thế nào?
Bài tập cho tình trạng cứng khớp gối
Bài tập cho người bị cứng khớp gối khá đơn giản. Người bệnh được khuyến thích tập những bài có động tác giãn cơ, duỗi gối và gấp gối tối đa bằng dây đàn hồi để tăng tính linh hoạt và lấy lại tầm vận động cho khớp gối.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể được phục hồi bằng bơi lội, đạp xe đạp. Đây là một môn thể thao có khả năng phục hồi chức năng vận động của khớp gối, cũng như hạn chế nguy cơ bị viêm dính khớp.
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của người bị cứng khớp gối nên cân bằng và có đầy đủ các nhóm chất gồm đạm, chất béo tốt, tinh bột, các vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, để hỗ trợ khớp gối được phục hồi chức năng nhanh hơn, người bệnh có thể bổ sung vitamin D, canxi và các axit béo không bão hòa trong các bữa ăn. Lưu ý rằng, vitamin và khoáng chất từ nguồn thức ăn luôn được ưu tiên hơn từ thực phẩm bổ sung.
Người bệnh có thể bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày:
-
Vitamin D: Cá hồi, lòng đỏ trứng, nấm, sữa và hải sản có vỏ…
-
Canxi: Các loại hạt, phô mai, các loại đậu, rau có màu đậm…
-
Axit béo không bão hòa: Hạt lanh, các loại cá biển, hải sản, mỡ cá, quả óc chó, dầu ô liu hoặc các loại dầu thực vật…
Xem thêm: Calcium Max D3 - Ngăn ngừa được các bệnh về xương
Cứng khớp gối là một dấu hiệu cảnh báo có tình trạng tổn thương trong khớp gối. Những cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng khi ngủ dậy và kéo dài 15 – 20 phút. Việc thăm khám và điều trị triệu chứng cứng khớp gối là vô cùng cần thiết vì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như mất chức năng vận động hoặc tàn phế.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT/ Zalo: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!