Lưu ý một số phương pháp giúp hạn chế tình trạng HOA MẮT - CHÓNG MẶT
Hoa mắt chóng mặt là một trạng thái cảm giác chóng mặt, mờ mắt, mất cân bằng và nếu gặp phải tình trạng này thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nếu không may gặp hiện tượng hoa mắt chóng mặt bạn cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số lưu ý giúp hạn chế tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
1. Hoa mắt chóng mặt là gì?
Hoa mắt chóng mặt cũng là một tình trạng vô cùng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ người nào hay bất kỳ độ tuổi nào. Nhiều người khi bị hoa mắt chóng mặt thường cho rằng đây là triệu chứng của tình trạng thiếu máu hay nhiều người tự chẩn đoán là rối loạn tiền đình và có thể dễ dàng mua thuốc tự điều trị cho đến khi họ gặp các biến chứng té ngã hay các cơn chóng mặt hoa mắt ngày càng nhiều thì mới tìm đến bác sĩ để được tư vấn điều trị.
Tình trạng hoa mắt chóng mặt có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hai cảm giác này thật sự rất khác nhau về bản chất tổn thương nhưng dễ bị nhầm lẫn là một do cách diễn đạt của người bệnh:
- Hoa mắt: Là tình trạng người bệnh cảm thấy tối sầm mặt, xây xẩm, không nhìn rõ được những người hoặc vật trước mắt. Triệu chứng hoa mắt có thể kéo dài vài giây đến vài phút và thường xuất hiện khi bạn thay đổi tư thế (từ nằm sang ngồi, từ nằm sang đứng dậy, từ ngồi sang đứng dậy,…). Tình trạng hoa mắt hay gặp trong bệnh lý tim mạch hay thiếu máu.
- Chóng mặt: Là tình trạng người bệnh cảm thấy đồ vật xoay tròn xung quanh mình hay bản thân mình xoay xung quanh mọi vật theo một hướng hoặc nhiều hướng. Triệu chứng chóng mặt này thường xảy ra khi một người xoay đầu hoặc thay đổi tư thế đứng, nằm hoặc ngồi. Chóng mặt thật sự sẽ là bệnh lý của tổn thương hệ thống tiền đình, tiểu não, cảm giác sâu hay bệnh lý của mắt.
Ngoài ra, một số bệnh nhân than phiền chóng mặt hoa mắt kéo dài nhưng không kèm theo bất kỳ một thay đổi nào cũng có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần kinh.
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng hoa mắt chóng mặt?
✅ Nguyên nhân gây hoa mắt:
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn tự nhiên hoa mắt. Đó có thể là một triệu chứng thoáng qua, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm không thể xem thường. Cụ thể, các nguyên nhân có thể gây ra hoa mắt bao gồm:
-
Bệnh tim mạch: Bệnh nhân có một số bệnh lý van tim như hẹp van động mạch chủ, hở van tim nặng, rối loạn nhịp tim, suy tim, các bệnh lý xơ vữa động mạch… làm cho bệnh nhân có huyết áp thấp sẽ gây suy giảm lưu lượng máu lên não, đặc biệt khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi dễ gây ra tình trạng chóng mặt.
-
Tình trạng mất nước như sốt cao, nôn mửa, tiêu lỏng hay lạm dụng thuốc xổ hay thuốc lợi tiểu trong giảm cân gây ra tụt huyết áp tư thế khi ngồi, đi hay đứng cũng gây ra tình trạng hoa mắt. (Xem thêm: Làm thế nào để tránh mất nước khi tập luyện thể thao?)
-
Mất máu cấp hay thiếu máu do bất cứ nguyên nhân nào như: xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, tá tràng, trĩ,… hay chấn thương gây ra hoa mắt, tụt huyết áp thậm chí chết người nếu không điều trị kịp thời.
-
Lạm dụng các chất kích thích, rượu, bia, các loại bóng cười dễ gây ảo giác hoa mắt, cảm giác sai lầm về thực tại.
-
Các vấn đề tâm thần, lo lắng, căng thẳng, stress trong cuộc sống, san chấn tâm lý làm cho người bệnh không thể ăn uống, cơ thể suy kiệt và làm cho họ luôn có cảm giác hoa mắt, mệt mỏi.
-
Tác dụng phụ một số thuốc điều trị bệnh: Cần phải xem xét một cách toàn diện khi bệnh nhân khi họ than phiền hoa mắt, chóng mặt. Các thuốc họ đang sử dụng có thể là lý do gây ra hoa mắt, chóng mặt.
✅ Nguyên nhân gây chóng mặt:
-
Chóng mặt sinh lý: Khi bạn chưa thể thích nghi với những thay đổi về thị giác như đi tàu xe, những chuyển động của cảnh vật nối tiếp nhau hay gạt nước trên kính xe làm cho cơ thể chưa thích nghi. Những chuyển động ngửa quá mức của đầu khi làm việc lâu như lau dọn, sơn trần nhà làm cho hệ thống thị giác và hệ thống tiền đình không cân bằng gây ra hiện tượng nhìn không rõ vật và có hiện tượng chóng mặt, thậm chí buồn nôn và nôn. Hiện tượng này sẽ được điều chỉnh cân bằng khi nhắm mắt lại, giữ yên tư thế đầu và cơ thể tập thích nghi dần thông qua cơ chế lưu trữ ký ức của vỏ não thông qua con đường dẫn truyền thông qua đồi thị.
-
Các bệnh về mắt: Khi gặp các vấn đề về mắt như cận thị, loạn thị hay viễn thị, suy giảm thị lực,… nếu không tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục kịp thời thì bạn rất dễ bị hoa mắt kèm theo chóng mặt. Tuy nhiên, cảm giác chóng mặt trong trường hợp này chỉ là chóng mặt nhẹ và chữa khỏi bằng các loại kính mắt. Nếu ở trẻ em chúng ta bỏ qua những than phiền chóng mặt hay do trẻ còn nhỏ chưa biết cách diễn đạt thì trẻ tự tìm cách chỉnh trục mắt mà hậu quả là chúng ta sẽ thấy đột nhiên trẻ sanh ra bình thường giờ nhìn thấy trẻ bị lé.
-
Giảm lưu lượng máu tới não đột ngột: Có rất nhiều nguyên nhân khiến lưu lượng máu đến não bị giảm và hầu hết các trường hợp này đều có thể dẫn đến trạng thái chóng mặt. Cụ thể: Tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp. Người thường xuyên bị tăng hoặc giảm huyết áp cũng rất hay gặp tình trạng chóng mặt, cảm thấy choáng váng do lưu lượng máu lên não không ổn định. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp một số triệu chứng khác như buồn nôn, mệt mỏi, đau nửa đầu,…
-
Rối loạn tai trong: Rối loạn tai trong (rối loạn vận mạch tai trong hay rối loạn tuần hoàn tai trong) là tình trạng thiếu máu, máu bị tắc nghẽn khiến lượng máu tới tai giảm đột ngột, không ổn định. Lúc này, các mạch máu không thể cung cấp đủ năng lượng cho các tế bào lông ở tai trong – các tế bào với chức năng gửi tín hiệu âm thanh đến não. Vì vậy, ở những người bị rối loạn tai trong sẽ xuất hiện tình trạng ù tai, nghe kém và có thể bị chóng mặt hoa mắt,…
-
Viêm dây thần kinh tiền đình: Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh lý khiến dây thần kinh tiền đình bị thâm nhiễm và gây tổn thương cảm giác cảm nhận sự thăng bằng. Do đó, khi gặp những rối loạn về thăng bằng thì bạn sẽ thấy cơ thể đột ngột chao đảo, chóng mặt, mất bằng bằng, thấy cả người chao đảo xoay tròn. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn hoặc có hiện tượng nôn ói khi bị viêm dây thần kinh tiền đình.
-
Chấn thương tai: Chấn thương tai được chia thành nhiều dạng như tổn thương tai giữa, tổn thương tai trong, vỡ xương đá,… Tùy theo tình trạng tổn thương có nghiêm trọng hay không mà bạn sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chấn thương tai thường đều gặp tình trạng ù tai, chóng mặt, đứng không vững, suy giảm thính lực,…
-
Chấn thương đầu: Hoa mắt chóng mặt là triệu chứng thường gặp của tình trạng chấn thương đầu, va đập ở vị trí vùng đầu, sọ. Bên cạnh biểu hiện đặc trưng này, bạn cũng có thể cảm thấy đau đầu, có cảm giác lâng lâng, buồn nôn, ù tai, mất ý thức, co giật, mất trí nhớ, thay đổi tâm trạng,…
-
Đau nửa đầu: Đau nửa đầu có 2 dạng là đau nửa đầu nguyên phát và đau nửa đầu thứ phát. Cả hai dạng này đều dẫn đến cơn đau ở một bên đầu, kèm theo các triệu chứng khác như nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh, cảm thấy choáng váng chóng mặt, hoa mắt, mắt mờ,…
-
Bệnh Meniere: Hiện tượng hoa mắt chóng mặt là một trong những triệu chứng phổ biến của căn bệnh Meniere – một dạng bệnh lý rối loạn thính lực. Các triệu chứng thường gặp của căn bệnh này có thể kể đến như cảm giác có áp lực ở tai, ù tai, mất thính lực, nhức đầu, đổ mồ hôi, buồn nôn, không kiểm soát được cử động mắt,…
-
Bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: Thường xảy ra vào buổi sáng khi vừa thức giấc. Chóng mặt kịch phát lành tính là một tình trạng bệnh khiến bạn cảm thấy bản thân đang xoay quanh đồ đạc hoặc ngược lại. Hầu hết các trường hợp chóng mặt tư thế kịch phát lành tính đều chỉ thoáng qua chứ không kéo dài, có thể sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian và sau đó tái phát trở lại làm bệnh nhân rất khó chịu và phải thường xuyên nhập viện.
-
U não: Nếu bạn cảm thấy cơ thể mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, hay bị chóng mặt hoa mắt kèm theo đau đầu, lú lẫn, tay chân yếu, buồn nôn, nôn mửa,… thì rất có thể đây chính là triệu chứng của việc các tế bào bất thường tăng trưởng trong não. Tình trạng u não có thể được chia làm 2 loại là u não lành tính và u não ác tính (ung thư). Dù cho bị u não lành tính hay ác tính thì các tế bào não cũng đều bị tổn thương và có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
-
Ung thư di căn: Khi các tế bào ung thư di chuyển sang các bộ phận, khu vực khác trong cơ thể thì được gọi là ung thư di căn. Dù đặc điểm và tính chất của ung thư di căn cũng gần giống với ung thư nguyên phát nhưng xét về mức độ phát tán và độ nguy hiểm thì ung thư di căn có khả năng đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh nhiều hơn. Các triệu chứng của ung thư di căn còn tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u…
-
Đột quỵ: Đột ngột bị hoa mắt chóng mặt có thể là một dấu hiệu đột quỵ nguy hiểm. Bạn có thể dựa trên nguyên tắc F.A.S.T để kiểm tra xem người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ nguy hiểm khác hay không và kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
3. Lưu ý một số phương pháp giúp hạn chế tình trạng HOA MẮT - CHÓNG MẶT
✅ Cần có chế độ ăn hợp lý
-
Uống đủ nước mỗi ngày, cần sổ sung thêm nước khi bị khát, khi cơ thể có cảm giác đầu nhẹ bồng bềnh hay vận động nhiều và khi trời nóng.
-
Không nên ăn uống các loại thức ăn, đồ uống quá ngọt hay quá mặn vì sẽ làm tăng thể tích dịch của tai trong và cơ thể dễ dẫn tới chóng mặt, mất thăng bằng.
-
Tránh dùng cà phê hay bia, rượu.
-
Tránh ăn những loại thực phẩm có chứa acid amin tyramine như: Rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, sữa chua, chocolate, các loại hạt… vì nó có thể gây khởi phát bệnh đau nửa đầu có thể gây hoa mắt, chóng mặt
Xem thêm: Tại sao dinh dưỡng phục hồi lại quan trọng?
✅ Tránh một số chất có thể làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn tiền đình
Tránh dùng thuốc kháng viêm không steroid như aspirin có thể làm ù tai hơn. Ibuprofen gây giữ nước, rối loạn điện giải, chất nicotine trong thuốc lá, gây biến chứng teo hẹp mạch máu làm tăng huyết áp, giảm máu đến vùng tai trong…
✅ Tránh thay đổi tư thế đột ngột
Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nhất là từ tư thế nằm để đứng dậy hay ngồi dậy hay xoay đầu. Nên từ từ khi chuyển từ nằm sang ngồi, giữ nguyên tư thế trong 5-10 phút rồi mới từ từ đứng dậy. Luôn nhìn thẳng phía trước, giữ đầu không cúi xuống hay xoay đầu qua lại. Trong trường hợp nặng có thể phải đeo nẹp vòng cổ cố định để hạn chế cử động vùng đầu.
-
Cố gắng nằm nghỉ ngơi trên giường, tránh ánh sáng chói vào mặt vì phần lớn các cơn chóng mặt, hoa mắt sẽ tự mất đi sau vài ngày đến vài tuần.
-
Tránh lo lắng, căng thẳng tinh thần, hạn chế suy nghĩ, đọc sách, xem tivi. Tránh lái xe, điều khiển máy móc hay trèo thang.
✅ Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hệ tiền đình
Phục hồi chức năng hệ tiền đình giúp thăng bằng và giảm tái phát hoa mắt, chóng mặt về lâu dài. Những bài tập này thường được bác sĩ hướng dẫn tập. Cần nằm nghỉ 10 phút sau khi tập xong. Không tự lái xe về nhà. Trong tối thiểu 1 tuần, phải cố gắng giữ đầu thẳng đứng, tránh ngửa hay cúi đầu nhiều, tránh đứng lên- ngồi xuống. Sau một tuần thì có thể cử động bình thường lại nhưng phải từ từ và có người giúp đỡ hay theo dõi . Những bài tập phục hồi chức năng tiền đình được dùng cho cả người lớn và trẻ em.
Tóm lại, hoa mắt, chóng mặt có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau, vì vậy để điều trị hiệu quả người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị của bác sĩ chuyên môn tránh để những hậu quả đáng tiếc.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.