Chế độ ăn được khuyến nghị cho những người bị MỠ MÁU CAO
Bạn có biết, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây máu nhiễm mỡ là do chế độ ăn uống thiếu khoa học. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn phù hợp sẽ góp phần cải thiện tình trạng này. Vậy người mỡ máu cao nên ăn gì và kiêng gì mới tốt cho sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chế độ ăn được khuyến nghị cho những người bị MỠ MÁU CAO trong bài viết này nhé
1. Chế độ ăn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người bị máu nhiễm mỡ như thế nào?
Mỡ máu cao là tình trạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não... Việc tuân theo chế độ ăn cho người mỡ máu cao thích hợp sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả.
Máu nhiễm mỡ là tình trạng bất thường của lượng lipid trong máu, bao gồm: Sự gia tăng nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), tăng triglyceride, tăng cholesterol máu toàn phần, giảm nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ là: Người béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống quá nhiều rượu, chế độ dinh dưỡng không cân bằng như việc nạp quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa.
Nghiên cứu cho thấy, số lượng và loại chất béo tiêu thụ trong chế độ ăn uống (đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu, làm tăng nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol LDL, khiến nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên.
Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thịt có vân mỡ nhìn thấy được… chứa rất nhiều chất béo. Ngược lại, sữa, trứng và một số loại thịt khác có chất béo và cholesterol ít hơn. Chất béo được tìm thấy trong cả thực phẩm thực vật và động vật, nhưng cholesterol chỉ có trong thực phẩm nguồn gốc động vật. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol (trứng rán) hoặc nhiều chất béo nhưng ít cholesterol (bơ đậu phộng và bơ) hoặc ít chất béo và nhiều cholesterol (tôm) hoặc ít cả hai (trái cây).
Xem thêm: 4 Nguyên nhân khiến NGƯỜI GẦY cũng bị MỠ MÁU
2. Chế độ ăn được khuyến nghị cho những người bị MỠ MÁU CAO
2.1. Người bị mỡ máu cao nên ăn gì?
Trong chế độ ăn cho người mỡ máu, bạn không cần phải loại bỏ tất cả các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao không tốt cho sức khỏe. Hầu hết, mọi người có thể ăn một cách điều độ những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao “lành mạnh” – tức là có hàm lượng chất béo bão hòa thấp.
Một chế độ ăn hợp lý cho người máu nhiễm mỡ cần lưu ý đến các chất giúp làm giảm hấp thu chất béo có trong thực phẩm và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, giúp giảm nguy mắc các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ...
Chế độ ăn cho người mỡ máu cao được khuyến nghị là:
-
Ăn nhiều thực phẩm có chất béo không bão hòa có xu hướng làm tăng cholesterol tốt (HDL);
-
Ăn ít thực phẩm có chứa chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa và chất béo dạng trans);
-
Ăn nhiều chất xơ hòa tan giúp ngăn cản đường tiêu hóa hấp thụ cholesterol;
-
Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc giúp tăng các hợp chất làm giảm cholesterol quan trọng trong chế độ ăn uống của bạn. Những hợp chất này, được gọi là stanol thực vật hoặc sterol, hoạt động giống như chất xơ hòa tan;
-
Hạn chế muối: Bạn nên cố gắng hạn chế lượng natri (muối) ăn ít hơn 5g/ngày. Hạn chế muối sẽ không làm giảm cholesterol của bạn, nhưng nó có thể hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Thay vào đó, bạn có thể giảm lượng natri bằng cách chọn thực phẩm và gia vị ít muối và "không thêm muối" hoặc dùng rau gia vị thay thế hoặc trong khi nấu ăn.
-
Hạn chế đồ uống có cồn: Đồ uống cồn không có cholesterol nhưng lại có thể chứa những chất làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
Xem thêm: Bật mí BỮA SÁNG lành mạnh đánh bay MỠ MÁU
2.2. Người bị mỡ máu cao nên kiêng không ăn gì?
2.2.1. Thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao
Những thực phẩm chứa lượng cholesterol cao gây ảnh hướng đến tình trạng máu nhiễm mỡ, dưới đây là những thực phẩm có mức cholesterol cần hạn chế ăn:
-
Thực phẩm chứa cholesterol và nhiều chất béo bão hòa như phô mai, sữa chua, kem, bơ thực vật, mỡ lợn; các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích.
-
Một số thực phẩm ít chất béo bão hòa nhưng lại nhiều cholesterol như trứng, gan, pate gan, nội tạng và một số động vật có vỏ.
-
Hạn chế sử dụng những thực phẩm có lượng cholesterol cao như thịt bò nướng, sườn lợn, thịt bò xay,…Thay vào đó nên bổ sung nguồn protein động vật ít chất béo như thịt gia cầm bỏ da.
-
Bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ cũng cần lưu ý cắt giảm những thực phẩm như nội tạng động vật (gan, thận, tim, lòng), tôm, cua, mực, bạch tuộc,…
2.2.2. Mỡ máu kiêng ăn các sản phẩm bơ sữa giàu chất béo
Sữa và sữa chua nguyên kem, bơ, pho mai có chứa nhiều chất béo bão hòa.
Hạn chế phô mai và bơ khi nấu ăn. Thay vào đó hãy chọn phô mai tách béo, dầu oliu nguyên chất trong chế độ ăn cho người máu nhiễm mỡ. Bạn nên dùng các loại sữa, sữa chua không béo hoặc ít béo.
Xem thêm: Những LỢI ÍCH dinh dưỡng mà CHẤT BÉO đem lại
2.2.3. Nên kiêng ăn nội tạng động vật
Người bị mỡ máu cao không nên ăn nội tạng động vật đặc biệt là gan động vật vì gan chính là cơ quan sản xuất và tồn trữ cholesterol.
2.2.4. Đồ chiên rán
Một trong chế độ ăn cho người máu nhiễm mỡ đó là tránh xa đồ chiên rán. Tuy rất tiện lợi và ngon miệng nhưng các thực phẩm như khoai tây chiên, gà rán có da và các món ăn được nấu ngập dầu lại có hàm lượng cholesterol, axit béo bão hòa cao
Thay vào đó sao bạn không thử một lựa chọn tốt hơn là gà nướng bỏ da, khoai tây nướng với một ít dầu ô liu.
2.2.5. Đường
Đường và bất kỳ thực phẩm nào có thêm đường đều có thể làm tăng chất béo trung tính và cholesterol LDL. Đặc biệt cần tránh các sản phẩm có xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao.
Thực phẩm thường có thêm đường mà người bị máu nhiễm mỡ không nên dùng như:
-
Nước ngọt
-
Bánh ngọt
-
Món tráng miệng
-
Đồ ăn nhanh, nước xốt,…
Xem thêm: Bật mí những loại THỰC PHẨM giúp GIẢM ĐƯỜNG HUYẾT hiệu quả
2.2.6. Đồ uống có cồn
Khi bạn dùng rượu bia, những thức uống này sẽ bị phân hủy và xây dựng lại thành chất béo trung tính, cholesterol trong gan. Nếu mức chất béo trung tính quá cao thì sẽ tích tụ trong gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Gan không thể hoạt động tốt như bình thường và không thể loại bỏ cholesterol khỏi máu, do đó mức cholesterol tăng lên. Không những vậy, việc lạm dụng rượu, bia còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim, gây rối loạn nhịp tim.
Xem thêm: Sử dụng quá nhiều RƯỢU BIA đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn như thế nào?
2.2.7. Thức ăn quá mặn
Sử dụng những thức ăn quá mặn với lượng muối ăn cao sẽ gây tăng huyết áp và xơ cứng mạch máu, động mạch. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và khả năng tử vong sớm cao hơn. Do đó, bạn nên cân nhắc về lượng muối trong khi chế biến món ăn hằng ngày. Đồng thời, tránh xa những thực phẩm có chứa nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói, những thực phẩm được ngâm muối sẵn,…
3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu cao
3.1. Đậu giàu chất xơ hòa tan
Đậu đặc biệt giàu chất xơ hòa tan và cần thời gian lâu hơn để cơ thể có thể tiêu hóa, nghĩa là bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn sau bữa ăn có đậu. Vì vậy, đậu không chỉ giúp cho việc giảm cân dễ dàng hơn mà còn giảm hấp thu cholesterol ở đường ruột. Với rất nhiều sự lựa chọn (từ đậu xanh và đậu tây đến đậu lăng) có rất nhiều cách để chế biến chúng, bạn sẽ có thể cải thiện chế độ ăn cho người mỡ máu cao của mình thật đa dạng mà không ngán.
3.2. Yến mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt
Đây là một thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn cho người mỡ máu, trong yến mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình hấp thụ cholesterol và carbohydrate.
Các hướng dẫn dinh dưỡng hiện tại khuyên bạn nên cung cấp 20 đến 35 gam chất xơ mỗi ngày, với ít nhất 5 đến 10 gam từ chất xơ hòa tan.
3.3. Người bị mỡ máu nên ăn cá hồi
Trong cá hồi có chứa lượng lớn omega-3 là axit béo không bão hòa đa thể, có tác dụng giảm cả 2 chỉ số LDL và triglycerid.
3.4. Táo, nho, dâu tây, trái cây họ cam quýt
Táo, nho, dâu tây, trái cây họ cam quýt rất giàu pectin, loại chất xơ hòa tan giúp làm giảm nồng độ LDL.
3.5. Dầu oliu
Dầu oliu giàu axit béo không bão hòa đơn thể và có lượng triglyceride thấp giúp giảm LDL, duy trì cholesterol ở mức tốt, phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng như cơn đau thắt ngực, xơ vữa động mạch,...
Tuy nhiên, dầu ô liu được coi là có hàm lượng calo cao, vì vậy không nên tiêu thụ nhiều hơn 25 ml/ngày.
3.6. Các rau gia vị
Gia vị ngoài việc giúp tạo sự thơm ngon cho món ăn mà còn có giúp ngăn ngừa hình thành mỡ máu và chuyển hóa lipid hiệu quả. Các loại gia vị như tỏi còn chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa tốt giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Các loại gia vị nên được bổ sung trong chế độ ăn cho người máu nhiễm mỡ như: tỏi, quế, gừng, nghệ, đinh hương, tiêu, bạc hà,...
4. Để giảm mỡ máu cao người bệnh cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày?
Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể giảm mỡ máu cao khi ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên,…
4.1. Chọn các loại thịt có ít chất béo bão hòa hơn
Nhiều loại thịt đỏ làm tăng mức cholesterol xấu LDL do chứa nhiều chất béo bão hòa. Vì vậy, người bệnh nên chọn thịt gà không da trong các bữa ăn lành mạnh của mình. Nên tránh các loại thịt đã qua chế biến để giảm nguy cơ lượng mỡ máu trong cơ thể quá cao.
Song song đó, có thể bổ sung thêm cá vào chế độ ăn uống. Cá có ít chất béo bão hòa và nhiều loại có chứa axit béo omega-3, có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp tăng mức cholesterol HDL tốt.
4.2. Chế biến thực phẩm giúp giảm cholesterol một cách tự nhiên
Cân nhắc cắt bỏ mỡ và bỏ da (trước khi nấu hoặc trước khi ăn) đối với thịt hoặc cá. Điều này giúp có được protein trong khi giảm lượng chất béo. Lựa chọn dạng nấu như luộc, nướng sẽ tốt hơn so với chiên ngập dầu hoặc tẩm bột (có thể làm tăng thêm chất béo).
4.3. Sử dụng các loại dầu tốt cho sức khỏe
Khi cần thêm chất béo để nấu ăn, hãy sử dụng các loại dầu tốt cho sức khỏe thay vì chất béo rắn (như bơ, bơ thực vật, mỡ lợn). Chất béo rắn chứa nhiều chất béo bão hòa nhưng dầu lại chứa nhiều chất béo không bão hòa tốt hơn. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị sử dụng các loại dầu có ít hơn 4 gam chất béo bão hòa trên mỗi muỗng canh (và không có chất béo chuyển hóa).
4.4. Ăn chay một bữa chay mỗi tuần
Bằng cách chọn một bữa ăn chay, người bệnh đang đạt được nhiều mục tiêu giảm cholesterol cùng một lúc, như là ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn và nhận được nhiều chất xơ hòa tan hơn.
4.5. Tăng cường vận động và tập thể dục vừa phải
Bằng cách giữ cho cơ thể được di chuyển nhiều, cholesterol HDL tốt sẽ được tăng lên, kiểm soát tốt mức huyết áp và nhiều lợi ích khác cho tim mạch. Lý tưởng nhất là hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần, từ 150 phút trở lên.
Ngoài ra, nếu cảm thấy khỏe thì có thể tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao khác như bơi lội, chạy bộ hoặc yoga. Tập thể dục thường xuyên và nhất quán không chỉ giúp kiểm soát lượng cholesterol, mà còn giúp giảm huyết áp, xây dựng sức khỏe tổng thể về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!