Thông tin sức khỏe

Lưu ý những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp

Có thể bạn chưa biết, sa sút trí tuệ thường gặp nhất ở người lớn tuổi hoặc những người gặp phải các chấn thương ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Mặc dù chứng sa sút trí tuệ không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra một số rắc rối không nhỏ cho đời sống hàng ngày của người bệnh. Vậy sai sút trí tuệ là gì? Lưu ý những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp nào? Chúng ta cùng tìm hiểu thêm thông tin dưới đây.

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là một nhóm các triệu chứng gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, lý luận, định hướng, khả năng phán đoán và ngôn ngữ. Thực chất, đây không phải là một loại bệnh mà là một hội chứng mãn tính, hay còn được biết đến với tên gọi “Rối loạn nhận thức thần kinh”.

Nó xảy ra khi các phần của não bộ thực hiện những nhiệm vụ dành cho việc học tập, ra quyết định, ghi nhớ và ngôn ngữ bị ảnh hưởng hoặc bị “bệnh”.

Xem thêm: THỨC KHUYA - Nguyên nhân hàng đầu gây béo phì - Bạn đã biết?

2. Lưu ý nguyên nhân và những dạng SA SÚT TRÍ TUỆ thường gặp

Chứng sa sút trí tuệ là do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của tế bào thần kinh trong não. Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, sự ảnh hưởng của sa sút trí tuệ có thể biểu hiện và mức độ khác nhau ở mỗi người. Chứng sa sút trí tuệ thường được nhóm lại theo những điểm chung của bệnh, chẳng hạn như protein hoặc các protein lắng đọng trong não hoặc phần não bị ảnh hưởng… và chia làm hai loại.

2.1. Chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược do nguyên nhân thoái hóa

Hay còn gọi là chứng sa sút trí tuệ tiến triển. Chứng sa sút trí tuệ tiến triển được chia thành nhiều loại, mỗi loại tương ứng với từng nguyên nhân và các triệu chứng cụ thể như sau:

  • Bệnh Alzheimer: là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ. Bệnh nhân mắc Alzheimer có các mảng Amyloid và các búi sợi tơ thần kinh trong não. Các mảng xơ là những đám protein được gọi là beta-amyloid. Những khối này làm hỏng các tế bào thần kinh khỏe mạnh và các sợi kết nối chúng.

  • Sa sút trí tuệ mạch máu: Đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai do tổn thương các mạch cung cấp máu cho não. Các vấn đề về mạch máu có thể gây đột quỵ hoặc làm tổn thương não theo những cách khác, chẳng hạn như làm hỏng các sợi trong chất trắng của não. Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ mạch máu bao gồm khó giải quyết vấn đề, suy nghĩ, tập trung và tổ chức chậm lại. Những điều này có xu hướng dễ nhận thấy hơn là triệu chứng mất trí nhớ.

  • Sa sút trí tuệ thể Lewy: Những khối protein bất thường giống như quả bóng hình thành trong não gây sa sút trí tuệ. Loại sa sút trí tuệ tiến triển này cũng rất phổ biến. Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy của thể Lewy bao gồm: Mộng du, ảo giác, gặp các vấn đề về khả năng tập trung và chú ý, cử động không phối hợp hoặc chậm chạp, run và cứng đơ.

  • Sa sút trí tuệ vùng trán: Đây là một nhóm bệnh đặc trưng do sự phân hủy (thoái hóa) của các tế bào thần kinh hoặc do sự kết nối của tế bào thần kinh ở thùy trán và thái dương gây ra. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm sự mất ổn định trong hành vi, tính cách, suy nghĩ, khả năng phán đoán, ngôn ngữ và cử động.

  • Sa sút trí tuệ hỗn hợp: Có nguyên nhân do mắc nhiều loại bệnh cùng lúc ở người cao tuổi như mắc bệnh Alzheimer cùng với sa sút trí tuệ mạch máu.

  • Bệnh Huntington: Đột biến gen khiến một số tế bào thần kinh trong não và tủy sống bị thải loại. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này bao gồm sự suy giảm nghiêm trọng về kỹ năng tư duy (nhận thức), thường xuất hiện ở độ tuổi 30 – 40 tuổi.

  • Chấn thương sọ não (TBI): Tình trạng này thường do chấn thương đầu lặp đi lặp lại. Những người như võ sĩ quyền anh, cầu thủ bóng đá hoặc binh lính có nguy cơ gặp chấn thương sọ não cao hơn. Tùy thuộc vào phần não bị thương, tình trạng này có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sa sút trí tuệ như trầm cảm, kích động, mất trí nhớ và suy giảm khả năng nói. TBI cũng có thể gây ra bệnh parkinson. Các triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện ngay sau chấn thương mà phải đến nhiều năm sau mới bộc phát.

  • Dịch bệnh Creutzfeldt-Jakob (hay còn gọi là bệnh bò điên): Đây là một dạng rối loạn não hiếm gặp, thường xảy ra ở những người không có các yếu tố nguy cơ sa sút trí tuệ. Bệnh có thể do các protein lây nhiễm được gọi là prion bị lắng đọng nhưng cũng có thể do di truyền. Việc ghép giác mạc của người mắc Creutzfeldt-Jakob sang người khỏe mạnh có thể làm lây truyền bệnh này.

  • Bệnh Parkinson: Nhiều người bị bệnh Parkinson cuối cùng phát triển các triệu chứng sa sút trí tuệ (bệnh Parkinson sa sút trí tuệ).

2.2. Chứng sa sút trí tuệ không do thoái hóa hệ thần kinh

Một số nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ có thể đảo ngược kèm các triệu chứng tương ứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch: Các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ có thể do sốt hoặc các tác dụng phụ khác của cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Bệnh đa xơ cứng và các tình trạng khác do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào thần kinh cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ.

  • Các vấn đề về trao đổi chất và bất thường nội tiết: Những người có vấn đề về tuyến giáp, lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), quá ít hoặc quá nhiều natri hoặc canxi, hoặc các vấn đề trong việc hấp thụ vitamin B12 có thể phát triển các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ hoặc các thay đổi tính cách khác.

  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Tình trạng mất nước; thiếu hụt vitamin B1, B6, B12, vitamin E, đồng trong chế độ ăn uống có thể gây ra các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Tác dụng phụ của thuốc, phản ứng với thuốc hoặc tương tác của một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.

  • Máu tụ dưới màng cứng: Chảy máu giữa bề mặt não và lớp phủ trên não, thường gặp ở người cao tuổi sau khi bị ngã, có thể gây ra các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.

  • Nhiễm độc: Tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, thuốc trừ sâu, uống rượu nặng, dùng chất kích thích có thể dẫn đến các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ.

  • U não: Khối u não có thể gây tổn thương các thần kinh dẫn đến sa sút trí tuệ.

  • Thiếu oxy: Khi các mô cơ quan không nhận đủ oxy như mắc chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, hen suyễn, đau tim, ngộ độc khí carbon monoxide… có thể dẫn đến sa sút trí tuệ.

  • Não úng thủy bình thường: Tình trạng này là do các tâm thất trong não mở rộng, có thể gây ra các vấn đề về đi lại, khó tiểu và sa sút trí tuệ.

Xem thêm: Đau thần kinh tọa - Điều trị và Chăm sóc như thế nào?

3. Sa sút trí tuệ có những triệu chứng như thế nào?

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của sa sút trí tuệ:

  • Mất trí nhớ

  • Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm (không gian)

  • Gặp các vấn đề trong việc giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, hoặc suy nghĩ trừu tượng

  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động quen thuộc hàng ngày

  • Hay đánh mất đồ vật mà không tìm ra được

  • Thay đổi cảm xúc, hành vi và tính cách đột ngột

  • Thờ ơ và mất tính chủ động

Ngoài ra, có một số triệu chứng khác không được đề cập đến mà người bệnh có thể mắc phải. Nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Sa sút trí tuệ thường gặp những biến chứng gì?

Sa sút trí tuệ nếu không được điều trị nhằm giảm bớt sự tiến triển có thể gây ra các biến nghiêm trọng như:

  • Dinh dưỡng kém: Nhiều người bị sa sút trí tuệ dẫn đến lười ăn hoặc bỏ ăn do mất phản xạ nhai, nuốt. Tình trạng này khiến cơ thể bị thiếu hụt hoặc suy dinh dưỡng và càng làm cho chứng sa sút trí tuệ thêm nghiêm trọng, cũng như làm giảm tuổi thọ.

  • Viêm phổi: Tình trạng khó nuốt do sa sút trí tuệ làm tăng nguy cơ mắc nghẹn hoặc hút thức ăn vào phổi, có thể gây tắc thở và viêm phổi.

  • Không thể tự chăm sóc bản thân: Nếu sa sút trí tuệ tiến triển, người bệnh sẽ không thể sinh hoạt bình thường như tắm, mặc quần áo, chải tóc hoặc đánh răng, đi vệ sinh, dùng thuốc theo chỉ định mà không có người thân hỗ trợ.

  • Mất an toàn: Một số tình huống hàng ngày có thể gây ra các vấn đề an toàn cho người bị sa sút trí tuệ như lái xe, nấu ăn và đi bộ một mình.

  • Tử vong: Sa sút trí tuệ giai đoạn cuối có thể bị nhiễm trùng dẫn đến hôn mê và tử vong.

5. Điều trị sa sút trí tuệ như thế nào?

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định cụ thể bệnh nhân bị mắc loại sa sút trí tuệ nào. Việc điều trị có thể bắt đầu bằng phương pháp sử dụng thuốc kết hợp với thực hiện các thay đổi lối sống lành mạnh.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thay đổi các thói quen không tốt cho sức khỏe bằng việc thực hiện các biện pháp sau:

  • Tập thể dục: hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe mà còn bảo vệ các chức năng não bộ.

  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: gồm ăn nhiều rau xanh, bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể, hạn chế tiêu thụ chất béo, đường, caffeine và các loại thực phẩm chế biến sẵn.

  • Ngủ đủ giấc: bạn nên ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày, đặc biệt không gian nghỉ ngơi cần yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Ngoài ra, bạn cũng nên rút ngắn thời gian ngủ trưa và tăng cường hoạt động thể chất nhiều hơn. Xem thêm: Bật mí với bạn 2 LOẠI HẠT giúp NGỦ NGON hơn

  • Giao tiếp với mọi người: bạn nên thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với người thân hoặc bạn bè xung quanh. Hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện.

Sa sút trí tuệ thường không thể chữa khỏi, cũng như không thể thay đổi quá trình tiến triển. Chỉ có điều, nếu phát hiện sớm có thể giúp chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây ra và quản lý các nguyên nhân đó tốt hơn bằng việc điều trị thực thể, đồng thời giúp gia đình bệnh nhân chủ động hơn trong việc chăm sóc, trông coi cũng như thông cảm, sẻ chia với người bệnh.

6. Phòng ngừa sa sút trí tuệ như thế nào?

Sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi do vậy việc phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người dân khỏi chứng bệnh nguy hiểm này. Để phòng ngừa chúng ta có thể chú ý tới các yếu tố sau :

  • Rèn luyện trí não: Các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và làm giảm tác động của bệnh.

  • Hoạt động thể chất và xã hội: Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh. Theo đó, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần đồng thời, hạn chế ngồi lâu.

  • Không hút thuốc lá, dùng chất kích thích: Hút thuốc, uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và các bệnh về tim mạch. Do đó, nói không với các chất này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ và cải thiện sức khỏe.

  • Bổ sung đủ vitamin: Lượng vitamin D trong máu thấp tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do đó, người dân nên bổ sung vitamin D thông viên uống bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc qua thực phẩm giàu chất này như trứng, sữa, hải sản… Ngoài ra, vitamin B và C cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh này.

  • Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch: Huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của sa sút trí tuệ mạch máu. Do đó, người dân nên điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và chỉ số khối cơ thể cao (BMI) sớm nếu mắc phải.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

  • Giấc ngủ chất lượng: Ngủ đủ và ngon giấc 8 tiếng mỗi đêm giúp thần kinh và trí não khỏe mạnh cũng như tránh nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Ngược lại, mất ngủ, khó ngủ làm thần kinh suy yếu, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.

❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
  SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
  SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.

❣️ Thân ái!!!

Bài viết liên quan
  • RAU CÀNG CUA - Món ngon bổ dưỡng với nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe
    RAU CÀNG CUA - Món ngon bổ dưỡng với nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe

    Bạn có biết, rau càng cua không chỉ là một loại rau được chế biến thành các món ăn đầy dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, mà còn là một loại dược liệu được dùng trong điều trị bệnh. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về loài rau kỳ diệu này nhé.

    Đọc thêm
  • Vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên?
    Vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên?

    Bắp cải là một loại rau quen thuộc đối với người Việt Nam. Bắp cải được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày vì chúng ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao chúng ta nên ăn bắp cải thường xuyên nhé.

    Đọc thêm
  • Đừng chỉ ăn QUẢ vì LÁ ỚT cũng có rất nhiều công dụng
    Đừng chỉ ăn QUẢ vì LÁ ỚT cũng có rất nhiều công dụng

    Bạn có biết, không chỉ quả ớt ăn được mà tất cả các bộ phận của cây ớt từ rễ, thân, gốc, lá đều có những tác dụng tốt đối với sức khỏe. Đặc biệt, lá ớt còn có thể sử dụng để luộc, xào, nấu canh trong bữa ăn hằng ngày. Vậy Lá ớt có những công dụng gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết này nhé.

    Đọc thêm
  • 5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý
    5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý

    Tiết canh lợn là món ăn ngon bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Tiết lợn nếu ăn đúng cách và vừa đủ sẽ mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được món này. Sau đây là 5 Nhóm người “đại kỵ” với tiết lợn, cần chú ý.

    Đọc thêm
  •  Tác dụng của CÂY MÃ ĐỀ đối với sức khỏe
    Tác dụng của CÂY MÃ ĐỀ đối với sức khỏe

    Từ lâu, mọi người đã sử dụng cây mã đề như một vị thuốc dân gian để chữa một số bệnh nhỏ thông thường. Vậy loài cây nhỏ nhỏ mọc dại này có tác dụng gì đối với sức khỏe? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin nhé!

    Đọc thêm
  • Làm thế nào để đối phó với căng cơ khi tập luyện?
    Làm thế nào để đối phó với căng cơ khi tập luyện?

    Báo Sức Khỏe Đời Sống - Căng cơ là những chấn thương phổ biến có thể xảy ra khi tập luyện thể thao. Căng cơ khiến người tập đau nhức, khó vận động và giảm hiệu suất tập luyện. Vậy đâu là cách đối phó?

    Đọc thêm