Đa chấn thương chân khi đá bóng - Xử trí như thế nào?
Bóng đá là môn thể thao đối kháng đòi hỏi sự di chuyển với cường độ cao liên tục, lại thường xuyên va chạm nên có tỷ lệ chấn thương tương đối cao. Hiện nay phong trào tập luyện và chơi đá bóng như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe rất phổ biến đặc biệt trong giới trẻ. Tuy nhiên trong quá trình tập luyện, cũng không tránh khỏi các chấn thương khi va chạm, việc phát hiện và xử trí đúng các chấn thương khi chơi đá bóng không phải người tập nghiệp dư nào cũng biết…. Vậy đa chấn thương chân khi đá bóng - Xử trí như thế nào?
1. Nguyên nhân nào dẫn đến các chấn thương khi chơi đá bóng?
Nguyên nhân của những chấn thương do tập thể thao thường là chủ quan, không có ý thức đề phòng chấn thương, khởi động chưa đúng, chưa đủ, thậm chí kỹ thuật chơi chưa tốt cũng dẫn tới chấn thương. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân sức khỏe cũng khiến người tập dễ gặp chấn thương là do có bệnh không phù hợp với môn thể nào đó, hoặc do thiếu ngủ, dinh dưỡng hoặc thể lực không tốt, do thiếu điều kiện tập luyện như sân bãi, các dụng cụ bảo vệ, thậm chí là thời tiết cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chấn thương cho người chơi. …
Xem thêm: Bác sĩ đội tuyển U23 Việt Nam chỉ cách sơ cứu do chấn thương khi chơi đá bóng
2. Những chấn thương nào thường gặp khi chơi đá bóng - xử lý như thế nào?
✅ Chấn thương gân khoeo
Chấn thương gân khoeo thường do quá trình vận động với cường độ cao làm vùng gân khoeo bắp đùi bị căng quá mức và rách gân. Để ngăn ngừa chấn thương gân khoeo thì các cầu thủ nên khởi động kỹ trước khi tham gia thi đấu để các cơ đùi được mở rộng khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tốt nhất nên khởi động trước khi trận đấu diễn ra khoảng 20 phút và thả lỏng người sau khi thi đấu xong.
Khi dính phải chấn thương gân khoeo thì điều cần làm là thả lỏng, chườm đá, băng bó và nâng chân. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương gân khoeo mà cầu thủ phải nghỉ ngơi từ 1-2 tuần cho đến 3 tháng. Chú ý tuyệt đối không dùng trực tiếp đá để chườm lạnh lên vùng chấn thương, vì có nguy cơ bỏng lạnh.
Xem thêm: Tại sao các cầu thủ U23 Việt Nam lại chườm đá sau khi tập luyện và thi đấu?
✅ Chấn thương mắt cá
Chấn thương mắt cá rất thường xảy ra trong bóng đá, chủ yếu là tổn thương phần mềm xung quanh mắt cá khi mắt cá bị xoắn vào trong cũng như tổn thương dây chằng, phần bao bọc xung quanh khớp mắt cá gây chảy máu, đau sưng, khó nhấc mắt cá lên, bầm tím đôi khi lan ra cả bàn chân và ngón chân. Để ngăn ngừa chấn thương mắt cá thì cần chú ý:
-
Quấn băng bảo vệ xung quanh mắt cá chân
-
Dùng dụng cụ chuyên dụng bảo vệ mắt cá
-
Khi có cảm giác đau đớn, sưng mắt cá chân sau va chạm cần nghỉ ngơi, xoa bóp vùng đau, chườm nước đá trong khoảng 6 giờ để làm giảm đau và giảm sưng vết thương.
Xem thêm: Chấn thương lật cổ chân do đá bóng - Điều trị và chăm sóc như thế nào?
✅ Chấn thương đầu gối
Các chấn thương đầu gối cũng rất thường gặp trong bóng đá, chủ yếu thường gặp hai dạng là chấn thương dây chằng chéo trước và rách sụn chêm cụ thể như sau:
Chấn thương dây chằng chéo trước
Do dây chằng chéo trước nằm ở giữa đầu gối, ngăn xương ống chân không trượt ra phía trước xương đùi nên khi chơi bộ môn dùng chân thường xuyên như bóng đá sẽ dễ gặp chấn thương sau va chạm.
Khi gặp chấn thương loại này thì cần lưu ý hạn chế cử động đầu gối, có thể sử dụng nẹp, nạng để hỗ trợ di chuyển, xem xét các phương pháp vật lý trị liệu hoặc cân nhắc phẫu thuật trong các trường hợp đứt nghiêm trọng và chấn thương gây ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.
Có thể sử dụng dụng cụ thăng bằng wobble board để hạn chế chấn thương dây chằng chéo trước bằng cách tăng cường cảm nhận ở khu vực xung quanh đầu gối.
Rách sụn chêm
Mỗi đầu gối có hai miếng sụn chêm có chức năng như đệm xương, trong quá trình co đầu gối nếu bị tác động bởi sức nặng sẽ làm đĩa đệm bị ép chặt và kẹt giữa hai xương gây rách.
Để điều trị tình trạng rách sụn chêm thì bệnh nhân cần nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao chân, còn đối với phẫu thuật thường là mổ hở hoặc nội soi một phần để phục hồi vết rách.
Về lâu dài chấn thương kiểu này rất dễ tái phát khi hoạt động cường độ cao, sau ca mổ thì cầu thủ cần phải tiếp tục điều trị vật lý trị liệu từ 4-6 tuần cho việc hồi phục hoàn toàn.
Xem thêm: Đau đầu gối do đá bóng - Điều trị và chăm sóc thế nào?
✅ Chấn thương thoát vị
Trong bóng đá, việc phải sút, di chuyển nhanh và xoay người thường xuyên sẽ dẫn đến chứng thoát vị và chấn thương háng. Người bị thoát vị sẽ gặp khó khăn khi ngồi hoặc di chuyển và bị đau ở vùng háng. Cách tốt nhất để phòng ngừa chấn thương loại này là tập luyện các vùng cơ ngang thân người và xương chậu để làm tăng sức chịu đựng từ bụng đến xương chậu. Khi đá bóng bị chấn thương thoát vị cần chẩn đoán kỹ lưỡng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, đa số sẽ cần đến siêu âm và kiểm tra để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đa số các cầu thủ có thể tiếp tục chơi bóng khi mang quần lót giữ ấm cho đến khi sắp xếp được thời gian để thực hiện phẫu thuật.
✅ Viêm gân Achilles
Đây là một tình trạng chấn thương gót chân khi đá bóng thường gặp, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới đứt gân Achilles. Để điều trị viêm gân Achilles cần phối hợp 3 yếu tố sau đây:
-
Giảm phản ứng viêm ở gân
-
Hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương
-
Phục hồi chức năng của gân, khớp và cơ bằng cách lấy lại khả năng vận động của gân và khả năng chịu tải trọng lượng cơ thể.
✅ Gãy xương
Gãy xương chiếm khoảng 25% các chấn thương trong bóng đá nghiêm trọng. Đa số các chấn thương bàn chân khi đá bóng đều có thể có gãy xương nhưng bị nhầm tưởng rằng chỉ có tổn thương phần mềm. Để làm lành xương gãy cần có nhiều thời gian và phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm độ tuổi, sức khoẻ tổng thể, dinh dưỡng, lưu lượng máu đến xương và điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý thêm các vấn đề sau:
-
Tránh thuốc lá để tăng cường lưu lượng máu đến xương và tăng tốc độ hồi phục.
-
Có chế độ ăn uống cân bằng giúp đảm bảo dinh dưỡng cần thiết phục hồi xương, chế độ ăn nên cân bằng giữa protein, chất xơ, vitamin và canxi
-
Sử dụng canxi hợp lý, việc uống quá nhiều canxi không giúp phục hồi nhanh hơn mà ngược lại còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khoẻ như sỏi thận.
Xem thêm: Gợi ý 8 loại THỰC PHẨM tốt cho hệ XƯƠNG KHỚP của bạn
3. Đa chấn thương chân khi đá bóng - Xử trí như thế nào?
Nhiều người đá bóng nghiệp dư, khi gặp chấn thương ở sân bóng có những xử trí sai lầm như xoa dầu nóng để giảm sưng đau, hoặc cố chịu đau để chơi hết hiệp, có người không có hiểu biết mà tự nắn chỉnh khớp khi nghi ngờ trật khớp…., đây là những hiểu biết và xử trí sai lầm của người chơi thể thao nói chung. Tuy nhiên không phải chấn thương nào cũng tự ý xử lý được, có những chấn thương nếu không đưa người bị nạn vào các cơ sở y tế đúng cách sẽ làm trầm trọng tổn thương.
Theo các bác sĩ chuyên môn, chấn thương phân ra 3 loại là chấn thương phần mềm, chấn thương khớp và chấn thương xương. Hai loại chấn thương sau cần phải cố định và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để chữa trị đúng cách. Riêng về chấn thương phần mềm, có hơn 80% các chấn thương thể thao thuộc về phần mềm, đó là tổn thương gân, cơ, dây chằng với nhiều mức độ khác nhau, có thể do va chạm trực tiếp hoặc bị kéo căng quá mức, vặn xoắn, co rút đột ngột …
Chấn thương phần mềm được phân loại từ độ 1 đến độ 3, thường là giãn rất nhẹ gân, cơ dây chằng, trong đó độ 1 thường có cảm giác đau thoáng qua, không ảnh hưởng sinh hoạt bình thường, vùng bị thương chưa quá sưng, bầm hoặc chỉ đau nhiều khi vận động nặng, chịu lực lớn, số lượng bó sợi bị rách 25%, có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần được xử trí đúng theo phác đồ R.I.C.E. Chấn thương độ 2 gồm sưng bầm tụ máu tại chỗ, đau nhiều, giới hạn một phần vận động của cơ, mất vững một phần của khớp, mức độ này dây chằng (gân, cơ) bị rách từ 25% đến 75% số sợi. Chấn thương độ 3 các dấu hiệu tăng lên nhiều, khớp sưng nhiều, mất vững và có thể bị bán trật hoặc trật khớp hoàn toàn . Đứt hoàn toàn số sợi gân – cơ hay dây chằng. (Lưu ý: Không chườm nóng với các chấn thương phần mềm)
Lời khuyên với chấn thương phần mềm, cần tuân thủ công thức R.I.C.E, cụ thể là R: rest – nghỉ ngơi; I: ice – chườm lạnh; C – compression- băng ép; E: elevation – treo cao tay hoặc kê cao chân bị thương. Với chấn thương độ 2,3, có thể xử lý bước đầu theo công thức R.I.C.E, nhưng sau đó nhất thiết phải đưa người bệnh vào cơ sở y tế để các bác sĩ xử trí tiếp.
Khi chườm mát, có thể cho một vài viên đá lạnh vào túi nilon – cho nước rồi buộc kín lại, hay đá nhuyễn hoặc nước đá trong túi nilon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, chườm lên vùng tổn thương. Nhiệt độ chườm mát tốt nhất là từ 6-12 độ sẽ giúp giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm, thời gian từ 15 đến 30 phút, không nên chườm quá lạnh và quá lâu có thể gây bỏng lạnh và thiểu dưỡng vùng bị tổn thương, có thể phối hợp với băng ép. Chườm lạnh được thực hiện trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương, chườm là 15 đến 30 phút , rồi nghỉ 1 đến 2 tiếng tùy vị trí , mức độ tổn thương và thể trạng , cơ địa mỗi người, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.
Lưu ý, trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương dập – rách – đứt – tăng lên, chảy máu và sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên và kéo dài làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu. Đặc biệt đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu có thể kích thích hình thành các mô sợi thế cho các sợi collagen dẫn đến giảm tính đàn hồi, chắc của dây chằng, sau khi lành dây chằng trở nên yếu và dễ bị tổn thương lại.Trong chấn thương do chơi thể thao việc xử trí ban đầu là tối quan trọng và vô cùng cần thiết để giảm triệu chứng , giúp tổn thương ổn định , góp phần làm tổn thương đó lành nhanh và tốt nhất.
Vậy để tìm hiểu chi tiết đa chấn thương chân khi đá bóng nên xử trí thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong video dưới đây cùng Bác sĩ Thể thao Nguyễn Trọng Thủy.
Bóng đá là môn thể thao vua được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, việc chơi môn thể thao này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ gây chấn thương. Việc hiểu biết về cách xử trí đa chấn thương khi chơi đá bóng sẽ giúp ích rất nhiều cho người chơi môn thể thao này
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!