Đau nhức xương khớp - Những bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi
Theo thống kê có khoảng 60% những người trên 60 tuổi mắc bệnh xương khớp và tuổi càng lớn thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao. Đây là nguyên nhân chính gây suy giảm vận động ở người lớn tuổi. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức xương khớp và một số bệnh lý xương khớp ở người lớn tuổi.
1. Thông tin về đau nhức xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi
Đau nhức xương khớp là căn bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Theo thống kê có khoảng 60% người trên 60 tuổi mắc bệnh về xương và tuổi càng cao thì tỷ lệ càng tăng.
Nhiều người cho rằng tình trạng đau nhức là do lão hóa tự nhiên thế nên họ cố gắng chịu đựng cơn đau. Thế nhưng ít ai biết rằng nếu không chữa trị thì cơn đau này sẽ chuyển sang mạn tính và làm ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí có khoảng 10% người bệnh không được chữa trị đã chuyển sang biến chứng trầm trọng, có thể là tàn tật.
Xem thêm: Làm thế nào để PHÒNG TRÁNH tình trạng ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP vào thời điểm GIAO MÙA?
Người cao tuổi có thể gặp tình trạng đau nhức ở bất cứ khớp nào trên cơ thể như cổ, lưng dưới, tay chân. Theo thống kê cho thấy những vị trí khớp thường bị đau nhức ở người lớn tuổi là:
-
Đầu gối: có khoảng 30.6% người bệnh đau nhức đầu gối và tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi ở nữ giới.
-
Hông: tỉ lệ thấp hơn khớp gối với 17.5% và tỷ lệ cũng tăng dần theo độ tuổi.
-
Tay: có khoảng 13% đàn ông và 26% phụ nữ trên 70 tuổi được chẩn đoán đau ít nhất 1 khớp tay.
-
Cột sống: tỷ lệ khoảng 16.9 - 19% bệnh nhân bị đau cột sống.
2. Nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp - Những bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi.
Người lớn tuổi đau xương khớp có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể : Tuổi tác càng lớn đồng nghĩa với tốc độ lão hóa của cơ thể càng diễn ra nhanh hơn. Những cơ quan như sụn, khớp, xương, cơ bị bào mòn dần, trở nên mỏng yếu, dễ bị tổn thương, giảm về mật độ và kích thước, dẫn đến đau nhức xương ở người cao tuổi.
Do chấn thương: Những chấn thương phổ biến như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã bất ngờ có tác động lớn đến xương khớp và dây chằng. Cơ thể người bệnh có thể bị sưng viêm, bầm tím, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến hệ xương khớp, gây đau nhức khó chịu.
Bị viêm xương khớp hoặc do thoái hóa khớp: Đĩa đệm nằm giữa các sụn suy yếu khiến cho sụn mỏng dần. Khi phần sụn này bị rách hoặc biến mất, các đầu xương cọ sát vào nhau gây đau đớn hoặc có thể kích thích gai xương phát triển, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Xem thêm: Thoái hóa khớp gối - Điều trị và chăm sóc thế nào?
Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh, gây nên viêm bao hoạt dịch và khiến người già bị đau nhức xương khớp.
Viêm bao hoạt dịch: Màng hoạt dịch là một túi đệm nằm trong bao khớp, có tác dụng bôi trơn để các khớp hoạt động dễ dàng hơn. Khi khớp trên cơ thể bị viêm nhiễm sẽ làm hoạt dịch trong bao tăng lên và gây viêm bao hoạt dịch, kéo theo các cơn đau nhức xương khớp khó chịu ở người cao tuổi.
Thoát vị đĩa đệm: Bao xơ rách khiến nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài, làm chèn ép các dây thần kinh xung quanh và tủy sống. Người bệnh cảm thấy đau đớn, tê nhức ở vùng bị thoát vị và có thể đau lan sang các bộ phận khác như tay, chân.
Loãng xương: Ở người lớn tuổi, xương khớp sẽ bị suy giảm về mật độ và chất lượng canxi, trở nên mỏng giòn, dễ bị gãy xương. Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là các cơn đau lưng, hơn nữa khi người bệnh vận động thì cơn đau sẽ tăng lên và giảm đau khi nghỉ ngơi.
Ngoài ra, bệnh đau nhức xương khớp ở người già còn do các nguyên nhân như:
- Thừa cân: Các lớp mỡ thừa gây áp lực lên cơ xương khớp, chẳng hạn như đầu gối, cột sống. Về lâu dài cũng sẽ gây đau nhức ở vùng này.
- Ăn uống thiếu chất: Cơ thể không nạp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất tốt cho xương khớp như canxi, omega 3 sẽ gây nên các cơn đau nhức khi lớn tuổi. Tham khảo ngay những thực phẩm tăng cường Canxi hiệu quả cho người già .Xem thêm: Những thói quen dinh dưỡng nào gây hại cho hệ xương khớp?
- Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Thường xuyên sử dụng bia rượu, hút thuốc lá, ngủ không đủ giấc,… là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp người già.
- Thay đổi thời tiết: Thời điểm tiết trời trở lạnh, áp suất không khí thay đổi, gây áp lực lên da và các dây thần kinh khiến người bệnh đau nhức, ê ẩm xương khớp.
- Di truyền: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử bị đau nhức xương khớp thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn so với những người khác.
3. Đau nhức xương khớp ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của người lớn tuổi?
Mất ngủ: Người cao tuổi vốn đã khó ngủ nếu như bị đau nhức xương khớp sẽ càng dễ mất ngủ hơn. Việc thiếu ngủ sẽ khiến cho tình trạng đau nhức gia tăng với mức độ trầm trọng hơn.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Những người cao tuổi bị đau nhức xương sẽ khiến cho khả năng thực hiện những hoạt động thường ngày như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân,… bị suy giảm.
Tăng cân: Tình trạng đau nhức xương khiến người cao tuổi ngại di chuyển, vận động và nhất là ngại tập luyện thể dục thể thao. Chính việc này đã khiến cho họ tăng cân và triệu chứng bệnh khớp nghiêm trọng hơn. Việc thừa cân cũng sẽ dễ gây ra những biến chứng nặng nề hơn như bệnh tiểu đường, cao huyết áp,…
Xem thêm: Đau nhức xương khớp ở người cao tuổi ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào?
Trầm cảm: Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 đã chỉ ra mối quan hệ giữa bệnh trầm cảm và bệnh xương khớp. Nghiên cứu đã cho thấy rằng, tình trạng đau nhức xương gây tác động đến sức khỏe tâm thần. Có hơn 40% những người thực hiện nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm do các triệu chứng viêm khớp gây ra.
Một số biến chứng khác gồm có:
- Hoại tử xương.
- Gãy xương.
- Viêm nhiễm và chảy máu ở khớp.
- Thoái hóa gân và các dây chằng bao quanh khớp.
4. Làm sao để giảm đau nhức xương khớp cho người lớn tuổi?
Người lớn tuổi đau nhức xương khớp có thể áp dụng một số cách sau để giảm thiểu cơn đau và ngăn tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng:
Thay đổi chế độ ăn uống hợp lý: Xây dựng chế độ ăn uống đủ dưỡng chất tốt cho xương khớp như canxi (tôm, sữa, phô mai…), Omega-3 (cá béo, các loại hạt…), rau xanh (rau cải xoăn, rau chân vịt…). Ngoài ra, người già hạn chế các loại thực phẩm không tốt như đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, rượu bia…
Có lối sống lành mạnh: Ngủ đúng giờ và đủ giấc (ngủ 8 tiếng/ngày, không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ…), tránh căng thẳng quá mức (tập thiền, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý…) là cách giúp người bệnh giảm các cơn đau nhức do bệnh xương khớp hiệu quả.
Tập luyện thể dục thường xuyên: Rèn luyện cơ thể mỗi ngày với những bài tập phù hợp thể trạng như đi bộ, tập dưỡng sinh. Cơ thể được vận động, tăng sự linh hoạt cho xương khớp, kích thích các chất bôi trơn cho sụn khớp, cải thiện cơn đau nhức.
Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh: Khi trời trở lạnh, người già đau khớp nên mặc nhiều áo dày, giữ ấm các vùng bị đau nhức và tránh ra ngoài quá nhiều. Ngoài ra, uống trà nóng cũng là cách để giúp cơ thể ấm áp hơn.
Duy trì cân nặng phù hợp: Ăn uống điều độ – tập thể dục đều đặn để giữ mức cân nặng vừa phải, không bị béo phì, giúp giảm đau nhức xương khớp và phòng ngừa các bệnh lý xương khớp khác.
Xem thêm: Gợi ý 8 loại THỰC PHẨM tốt cho hệ XƯƠNG KHỚP của bạn
Từ bỏ thuốc lá: Thuốc lá có thể làm cho các cơn đau xương khớp trở nên nặng hơn, vì thế người bệnh nên bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
Có thể thấy rằng, đau nhức xương khớp ở người già nếu được điều trị đúng cách sẽ mang lại hiệu quả giảm đau nhức tối đa, đảm bảo sự an toàn, tránh tái phát bệnh và nâng cao sức khỏe thể chất cho người bệnh.
5. Chữa trị đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi như thế nào?
Có 6 phương pháp chữa đau nhức xương khớp ở người già phổ biến hiện nay.
Sử dụng thuốc điều trị
Các loại thuốc loãng xương, thuốc điều trị thoái hóa khớp như vitamin D, bisphosphonate, acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (celecoxib, etoricoxib…) giúp giảm đau nhức nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, nếu người bệnh ngưng dùng thuốc thì cơn đau sẽ lại tiếp diễn.
Việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ và không nên lạm dụng. Vì những loại thuốc này có kèm theo một số tác dụng phụ hại gan, thận, gây viêm loét dạ dày.
Liệu pháp xoa bóp
Xoa bóp cơ thể là cách giảm đau xương khớp ở người già hiệu quả đối với tình trạng nhẹ. Các động tác massage giúp lưu thông khí huyết đến vùng bị đau, làm thư giãn các cơ, tác động lên nhiều vùng cơ trên cơ thể và giảm nhức mỏi xương khớp từ bên trong. Một số bài tập xoa bóp gợi ý là massage bằng đá nóng, khăn nóng, xoa bóp yoga thái, xoa bóp mô sâu,…
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phương pháp sử dụng chế phẩm từ máu đã chiết tách hồng cầu, bạch cầu và có nồng độ tiểu cầu nhiều hơn 2 – 8 lần so với tiểu cầu bình thường. Bác sĩ sẽ tiêm chế phẩm này vào vị trí đau xương khớp để làm lành vết thương và xoa dịu cơn đau.
Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng
Phương pháp Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng giúp cải thiện và khôi phục các chức năng cơ – xương – khớp một cách an toàn mà không cần xâm lấn. Vật lý trị liệu có 2 dạng là chủ động và bị động. Dạng chủ động gồm các bài tập thể chất giúp tăng sức mạnh cơ bắp, thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng sự dẻo dai cho xương khớp. Dạng bị động sẽ sử dụng các thiết bị hiện đại như sóng âm, nhiệt, ánh sáng, kéo giãn giảm áp bằng máy… để giảm chèn ép dây thần kinh và cơn đau.
Trị liệu Thần kinh cột sống (Chiropractic)
Một phương pháp điều trị tiếp theo cho người lớn tuổi bị đau nhức xương khớp được nền y học hiện đại đánh giá cao là Chiropractic – Trị liệu Thần kinh Cột sống. Phương pháp đề cao tính an toàn, không dùng thuốc – không phẫu thuật, tác động vào đúng nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, cắt cơn đau dứt điểm, hiệu quả lâu dài và ngừa bệnh tái phát.
Phẫu thuật
Trong trường hợp các phương pháp điều trị đau nhức xương khớp ở người già kể trên không mang lại kết quả khả quan hoặc tình trạng bệnh quá nghiêm trọng, lúc này phẫu thuật sẽ được bác sĩ cân nhắc thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp này ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe như nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, sưng viêm, đau nhức nặng hơn,… nên người bệnh cần thảo luận với bác sĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến và có thể chữa trị được ở người cao tuổi. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo bệnh và điều trị sớm.
❇️ Để đặt lịch khám, Bạn vui lòng gọi đến
SĐT: 0399.16.1111
✳️ Để được tư vấn về những vấn đề sức khỏe của mình, Bạn có thể gọi điện trực tiếp cho Bác sĩ Nguyễn_Trọng_Thuỷ:
SĐT: 0915.20.95.96
Nếu vì bận mà Bác sĩ chưa nghe được máy, mong Bạn để lại tin nhắn, Bác sĩ Thuỷ sẽ gọi lại ngay khi có thể.
❣️ Thân ái!!!